Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Tuyển nữ Việt Nam có cơ hội lớn dự World Cup

Bóng đá nữ Việt Nam nằm cùng bảng đấu với Nhật Bản, Australia và Jordan tại Asian Cup 2014 nên có nhiều cơ hội tranh vé dự World Cup 2015.
    Sáng nay (29/11), tại TP HCM, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức lễ bốc thăm chia bảng Vòng chung kết giải bóng đá nữ châu Á 2014. Tám đội lọt vào VCK được chia làm hai bảng gồm: 
    Bảng A: Việt Nam, Nhật Bản, Australia và Jordan. 
    Bảng B: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar.
    LIEM5031-3000-1385699373.jpg
    Việt Nam rơi vào bảng A cùng Nhật Bản, Australia và Jordan. Ảnh: Đức Đồng.
    Giải sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 25/5/2014 tại sân Thống Nhất (TP HCM) và sân Gò Đậu (Bình Dương). Bốn đội đứng đầu hai bảng sẽ lọt vào bán kết, đồng thời, giành vé dự VCK World Cup 2015. Ngoài ra, hai đội xếp thứ ba tại mỗi bảng sẽ đá trận play-off để xác định đội thứ năm của châu lục dự World Cup tại Canada.
    Ông Ngô Lê Bằng, Tổng thư ký VFF nói: “Chúng tôi tôn trọng mọi đối thủ, tôi đánh giá cao bốn đội Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia. Riêng đội Jordan, họ đã có sự tiến bộ và có lợi thế vượt trội về thể hình và thể lực, nhưng chúng ta đã có ba trận thắng và hai trận hòa trước Jordan trong thời gian gần đây nên có chút lợi thế".
    "Tại bảng A, Việt Nam đặt mục tiêu vị trí thứ ba để dự trận play-off tranh vé dự Worl Cup. Ở bảng B, tôi nghĩ Thái Lan hoặc Myanmar sẽ giành vé dự trận play-off. Hy vọng với lợi thế sân nhà và sự chuẩn bị chu đáo, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ hiện thực hóa giấc mơ World Cup”, ông Bằng đánh giá.
    Bà Moya Dodd, phó chủ tịch AFC, trưởng ban bóng đá nữ châu Á, nói: “Ở kỳ World Cup trước, châu Á chỉ có ba suất tham dự, còn năm 2015, sẽ có đến năm suất nên cơ hội sẽ chia đều cho các đội. Chúng tôi đánh giá cao tất cả các đội và họ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để giành năm vé đến Canada. Việt Nam có lợi thế sân nhà và sẽ là cơ hội lịch sử cho các bạn nếu các bạn giành vé dự World Cup”.
    Đức Đồng (http://thethao.vnexpress.net)

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Hội An là thành phố du lịch được yêu thích thứ hai châu Á

(Dân trí) - Theo khảo sát thường niên của Conde Nast Traveler (Mỹ), vốn được xem là khảo sát danh giá nhất của ngành công nghiệp du lịch toàn cầu: Hội An được đánh giá là phố du lịch được yêu thích thứ hai ở châu Á.
Đây là kết quả mới nhất do giả của tạp chí Conde Nast Traveler bình chọn. Đến phố cổ Hội An, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà đầy màu sắc và những dinh thự cổ kính.

Sau khi lọt vào danh sách 10 điểm đến hàng đầu thế giới lần đầu tiên vào năm ngoái, Hội An giờ đây đã trở thành thành phố du lịch được yêu thích thứ hai ở châu Á, chỉ xếp sau Kyoto (Nhật Bản).

Một số hình ảnh về Hội An:



Được công bố ở New York vào ngày 15 tháng 10, kết quả của cuộc khảo sát thường niên thứ 26 của Conde Nast Traveler xếp 5 khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Việt Nam trong danh sách những khu nghỉ dưỡng và khách sạn hàng đầu của tạp chí du lịch uy tín này.

Khách sạn 112 năm tuổi Sofitel Legend Metropole Hà Nội đứng thứ năm trong danh sách 25 khách sạn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Park Hyatt Sài Gòn, Sofitel Plaza Hà Nội và Sofitel Saigon Plaza cũng lọt vào danh sách này.

The Nam Hải được bình chọn là một trong mười khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á, tăng hạng từ vị trí thứ 14 năm ngoái. Không có khu nghỉ dưỡng nào khác của Việt Nam lọt vào danh sách này.

Khoảng 79.268 người đã tham gia bỏ 1,3 triệu phiếu bầu chọn cho 16.000 khách sạn và khu nghỉ dưỡng được đề cử cho giải thưởng năm nay. Năm ngoái, chỉ có 46.476 độc giả tham gia.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc giải phóng Trường Sa

TTO (http://tuoitre.vn/)
Trong tác phẩm Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành riêng một chương “Giải phóng Trường Sa” để hồi tưởng sự kiện này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và chính ủy Đặng Tính thăm đường 20

Dù không nằm trong kế hoạch ban đầu của cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 75, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kịp thời kiến nghị Bộ Chính trị cho phép tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, trước sự lăm le nhòm ngó của nước ngoài.

“Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược cao của anh Văn - người mà lịch sử đã trao cho sứ mệnh bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc mà cha ông để lại” - Thiếu tướng Mai Năng - nguyên tư lệnh Binh chủng đặc công, người chỉ huy cuộc tiến công giải phóng Trường Sa tháng 4-1975, nói.

“Nếu chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước”

Ông Mai Năng, khi ấy đeo quân hàm thượng tá, chỉ huy Đoàn 126 đặc công nước huyền thoại, đang ém quân ở Hải Phòng chờ lệnh tiến về Sài Gòn, kể lại: “Phải nói rằng khi ấy trong tâm tưởng mỗi người lính chúng tôi là được tham gia đoàn quân tiến về Sài Gòn, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng thống nhất đất nước.

Cuối tháng 3-1975, tôi bất ngờ nhận được mật lệnh: lập tức chuyển quân vào Đà Nẵng, chọn lực lượng tinh nhuệ, chuẩn bị giải phóng quần đảo Trường Sa. Tôi tuyển lựa khoảng 250 chiến sĩ tinh nhuệ, sẵn sàng cho trận tiến công lịch sử ngoài biển khơi bao la. Sau này tôi mới biết chính anh Văn kiến nghị Bộ Chính trị cho phép giải phóng Trường Sa và trực tiếp dặn dò, chỉ thị cặn kẽ các tình huống tác chiến trên biển…”.

Ngày 9-4, khi Cục Quân báo phát hiện quân đội Sài Gòn bắt đầu rút quân khỏi các đảo, Quân ủy trung ương đã phát đi bức điện tối khẩn vào Quân khu 5: "Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý đồ xâm chiếm".

Ngày 13-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho tướng Chu Huy Mân dặn dò rất cụ thể: “Thời cơ cụ thể đánh chiếm là: a) Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại; b) Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận; c) Khi tình hình chung của địch nguy khốn, thì đánh chiếm ngay".

Tướng Mai Năng, người từng tham gia cả hai cuộc kháng chiến, nói về vai trò của tướng Giáp: “Nếu chúng ta đến Trường Sa chậm một vài ngày, thậm chí chỉ chậm một vài giờ khi quân đội Sài Gòn đã rệu rã, choáng váng vì các tin tức thất trận trong đất liền, thì nước ngoài có thể thừa cơ mà chiếm lấy quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của chúng ta”. 

Ra khơi…

Tư tưởng mà những người tham gia cuộc tiến công giải phóng Trường Sa nhận được từ vị Đại tướng Tổng tư lệnh của họ là: Trên mặt trận biển Đông, hành động cũng phải "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

Đúng 4g30 sáng 14-4, sau hơn 1 giờ tổ chức đổ bộ, ta nổ súng tiến công, nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ trên đảo. Tiếp đó, ngày 25-4, quân ta tiến công đánh chiếm đảo Sơn Ca.

Ngày 27-4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 28-4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng”.

Lực lượng của ta tiến ra Trường Sa chỉ gồm ba chiếc tàu vận tải của Đoàn 125 - đoàn tàu không số huyền thoại và Đoàn 126 đặc công nước do thượng tá Mai Năng chỉ huy.

“Bằng mọi cách phải giải phóng bằng được các đảo, không được để bất cứ lực lượng nào chiếm” - ông Mai Năng nhớ như in mệnh lệnh của cấp trên trước lúc lên đường.

Rạng sáng 14-4-1975, khi mặt trời chưa mọc, quân của ông Mai Năng đã nổ phát súng đầu tiên ngoài Trường Sa, đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Binh lính của quân đội Sài Gòn nhanh chóng đầu hàng. Gặp người chỉ huy quân đội Sài Gòn tại đây, ông Mai Năng hỏi “Tại sao các cậu đã có lời thề giữ đảo đến chết mà lại đầu hàng?”, người chỉ huy phía bên kia đã đáp rằng: “Nếu là lực lượng khác đến chiếm thì chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, nhưng khi nghe các ông kêu hàng thì chúng tôi muốn bàn giao đảo cho quân giải phóng…”. 

“Vĩnh biệt anh Văn. Nơi anh chọn để an giấc ngàn thu là cửa biển quê nhà, tựa vào dãy Trường Sơn và hướng ra biển Đông bao la - ở đó vẫn còn những con sóng dữ thử thách sức bền của dân tộc chúng ta…” - người tướng già Mai Năng xúc động.

LÊ KIÊN (Nguon tuoitreonline)

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Phim Việt Nam tìm cửa vượt biên

Thị trường nhỏ hẹp, có quá ít rạp chiếu, các nhà phát hành đang cố gắng để đưa phim Việt đến với đối tượng khán giả mới.
"Mỹ nhân kế", bộ phim thu gần 60 tỉ tại Việt Nam mùa Tết vừa được phát hành tại Mỹ.
Ra nước ngoài phục vụ khán giả... Việt


Mới đây Galaxy Studio thông báo đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát hành phim toàn cầu với Asia Releasing LLC đưa phim Việt Nam ra quốc tế. Asia Releasing LLC mới thành lập cuối năm 2012 với mục tiêu trở thành nhà phân phối hàng đầu để đưa các sản phẩm châu Á ra những thị trường có người châu Á sinh sống.
Trong thời gian đầu cả hai công ty sẽ tập trung phát triển khai thác các cộng đồng người Việt đông đảo ở Bắc Mỹ, Úc và các nước khác. Asia Releasing sẽ phát hành tất cả các phim tiếp theo của Galaxy ở các khu vực bên ngoài Việt Nam. Trước đó, Asia Releasing đã giới thiệu bộ phim Tết ăn khách "Mỹ Nhân Kế" của Galaxy Studio tại một số rạp ở Los Angeles, Australia, New Zealand vào hồi tháng 6/2013 và sẽ tiếp tục vào tháng 9 tại Dallas và Houston (Mỹ).

 
Poster tiếng Anh của "Mỹ nhân kế" tại L.A, Mỹ hồi tháng 6.
 Galaxy đang cố gắng rút ngắn thời gian phát hành phim tại Việt Nam và nước ngoài. Điều này nhằm tăng lợi nhuận tối đa và mang những tác phẩm điện ảnh Việt Nam hay nhất đến cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại nhanh nhất. Các bộ phim sắp công chiếu của hãng này tại nước ngoài là: Âm mưu giày gót nhọn, Quả tim máu, Cô dâu đại chiến 2... 
Tuy nhiên, cú bắt tay giữa hãng phim Galaxy với Asia Releasing LLC mới chỉ dừng lại ở việc đưa phim Việt Nam tới những cộng đồng người Việt lớn ở hải ngoại và chứ không phát hành trên toàn thế giới. Thêm nữa, Asia Releasing LLC chỉ phát hành phim do Galaxy sản xuất, còn sản phẩm của các hãng khác phải tự thân vận động.
Nguồn: vietnamnet.vn

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Nhật Bản chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN

Nguyên nhân là do kinh tế của Trung Quốc tăng chậm lại, giá nhân công tăng cao, căng thẳng Trung-Nhật.

 
Thời gian gần đây các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hiện tượng này được giới công nghiệp gọi là "China plus one" (Trung Quốc +1). Địa chỉ đỏ mà các công ty Nhật Bản thường hướng tới có thể gọi tắt bằng ba chữ cái ghép lại "V.I.P" đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Ngoài ra, Myanmar cũng là thị trường được nhiều doanh nghiệp Nhật để mắt tới.


Mạng tin "Sankei" dần nguồn Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trong nửa đầu năm 2013 vào ASEAN đạt 1.020 tỷ yên trong khi Trung Quốc là 490 tỷ yen.

Năm 2012, con số này lần lượt là 1.150 tỷ yen và 1.070 tỷ yen. Từ năm 2009 đến nay, đầu tư vào ASEAN liên tục vượt Trung Quốc. Xu hướng này vẫn duy trì ổn định và đang mở rộng thời gian gần đây. Trong khi đó, đầu tư vào Trung Quốc xuống còn âm 8%.


Nguyên nhân được cho là do thực trạng khó khăn kinh tế của Trung Quốc, giá nhân công tăng cao, các cuộc biểu tình chống Nhật và căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp lãnh hải.

Trong khi đó, ở các nước ASEAN, sức tiêu dùng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ là những nhân tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật. Nếu coi giá thuê nhân công ở Trung Quốc là 100 thì ở Philippines là 77, Indonesia là 70, Việt Nam 44 và Myanmar là 16.

Ở Myanmar, trọng tâm hướng tới của Nhật Bản là ngành dệt may và da giày. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang đón một luồng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật vốn đang trong chiến lược chuyển một bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang ở các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, điện tử, phụ tùng ôtô…

Nguồn Vietnam+

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Tìm thấy loài bò cạp mới tại Việt Nam

Con bò cạp mới phát hiện ở miền núi phía Bắc Việt Nam
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Việt Nam) vừa phát hiện loài bò cạp mới ở miền núi phía bắc Việt Nam.

Loài bọ cạp này có tên có tên khoa học Euscorpiops cavernicola Lourenco & Phạm. Chúng được phát hiện bởi tiến sĩ Phạm Đình Sắc thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tiến sĩ Wilson Lourenco thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Paris (Pháp).

Loài bọ cạp mới thuộc họ Euscorpiidae, được nhóm nghiên cứu mô tả dựa trên các mẫu vật thu thập được trong hang Hua Ma, xã Quảng Khê (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Mô tả của loài được công bố trên tạp chí Quốc tế Comptes Rendus Biologies tháng 7 vừa qua.

Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học ghi nhận loài bọ cạp họ Euscorpiidae phân bố trong môi trường hang động.

Theo tiến sĩ Phạm Đình Sắc có giá trị thực tiễn cao, bởi nọc bọ cạp là nguyên liệu tự nhiên tiềm năng cho ngành dược hiện tại và trong tương lai.

M.Thi (tổng hợp). Nguồn: http://baogialai.com.vn

Vinamilk sẽ đầu tư nhà máy sản xuất sữa tại Mỹ

Kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của Vinamilk trong những năm tới không chỉ ở Mỹ mà còn phát triển ra một số thị trường châu Âu.
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, hiện nay, Vinamilk đang xúc tiến đầu tư nhà máy sản xuất sữa tại Mỹ.

Theo bà Mai Kiều Liên, sau khi Vinamilk được FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) cấp số đăng kí được xuất hàng vào Mỹ, Vinamilk đã tính đến chuyện đầu tư nhà máy sản xuất sữa tại thị trường tiềm năng này.

Hiện Vinamilk đang có nhà máy sản xuất sữa bột tại New Zealand. Dự kiến đến tháng 6-2014, Vinamilk sẽ đưa dây chuyền sản xuất sữa nước tại đây vào hoạt động, nhằm cung sữa nước cho thị trường nơi đây.

Bà Mai Kiều Liên cho biết, kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của Vinamilk trong những năm tới không chỉ ở Mỹ mà còn phát triển ra một số thị trường châu Âu- nơi chuyên nghiệp về chăn nuôi bò sữa.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Việt Nam hạ thủy tàu đổ bộ vỏ thép 80 tấn

Tàu đổ bộ được thiết kế đặc biệt và đảm nhận nhiều chức năng quân sự. Ảnh: A.D
Ngày 10/9/2013, Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn, thuộc Xí nghiệp liên hợp Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) tại Đà Nẵng đã hạ thủy thành công tàu đổ bộ ST-2300.
Tàu đổ bộ quân đội 80 tấn vỏ thép, hoạt động liên tục 60 giờ, có thể tham gia vận chuyển vũ khí, cứu hộ, cứu nạn…


Theo thiết kế, tàu dài 27,5m; rộng 6,8m; cao 2,8m; lượng chiếm nước đầy tải là 153 tấn; vận tốc tối đa đạt 12 hải lý một giờ. Ngoài vỏ thép, phía trước tàu là sàn và cầu đổ bộ, ca bin nằm ở phí sau, hệ động lực bao gồm hai máy diezel lắp cố định...

ST-2300 có thể thực hiện đổ bộ bộ đội, vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, tham gia cứu hộ, cứu nạn và một số nhiệm vụ khác. Tới đây, tàu sẽ được bàn giao cho phía chủ đầu tư là Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần).

Nguyễn Đông (VNExpress.net)

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Trường THPT chuyên Quang Trung xếp thứ 2 trong top 200 trường THPT có kết quả thi đại học cao nhất nước năm 2013.

Trường THPT chuyên Quang Trung xếp thứ 2 trong top 200 trường THPT có kết quả thi đại học cao nhất nước năm 2013.
Trường chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước
Theo bảng xếp hạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thi đại học năm 2013, Trường THPT chuyên Quang Trung của Bình Phước đã xuất sắc vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách 200 trường THPT có kết quả cao trong cả nước với điểm bình quân 23.19, tăng 11 bậc và tăng 2.57 điểm so với năm 2012.

Trong kỳ thi đại học năm nay Trường THPT chuyên Quang Trung có bốn thủ khoa đại học đó là: em Lê Quang Bình, học sinh lớp 12A, thủ khoa khối A, trường Đại học Bách khoa TPHCM, ngành điện - điện tử với tổng điểm là 28 (Toán 9.75, Hóa 9.75 và Lý 8.5); em Trần Thị Mai Thi, học sinh lớp 12E, thủ khoa khối D1, trường Đại học Sư phạm TPHCM với tổng điểm 25.25, làm tròn 25.5 (Toán 8, Anh văn 9.25, Văn 8 và em Lương Trần Anh Duy, lớp 12C, thủ khoa khối B, Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM với tổng điểm 25 (Toán 9, Sinh 6.75, Hóa 9.25) và em Vũ Tuấn Anh, thủ khoa Cảnh sát nhân dân (29 điểm).

Theo bảng thống kê, tỉnh Bình Phước còn có một số trường vươn lên hàng trăm bậc so với năm học 2012 đó là: Trường THPT Hùng Vương, xếp ở vị trí thứ 395, tăng 148 bậc, Trường THPT Phước Bình xếp ở vị trí thứ 552, tăng 143 bậc và Trường THPT Nguyễn Khuyến xếp ở vị trí 866, tăng 357 bậc,...

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Ngành Xổ Số - Ngành kinh doanh lòng thương hại (2)

    Trên thực tế, hàng ngày, hàng giờ chúng ta phải tiếp xúc với những người bán vé số, từ những em nhỏ 3-4 tuổi tới những cụ ông cụ bà 60-70 tuổi, từ trai tráng khỏe mạnh cho tới người tàn tật. Hầu như tất cả đều chèo kéo người mua không cách này thì cách khác.
    Rõ ràng, vé số là một ngành kinh doanh lòng thương hại. Nhiều người mua vé số chỉ đơn giản vì thương người tàn tật, thương em nhỏ mồ côi, thương cụ già nghèo khó,.....
    Nhiều người trong chúng ta mua vé số vì nghĩ rằng người ta phải khổ lắm mới đi bán vé số.
    Xét về khía cạnh giá trị, ngành Xổ số chẳng mang lại lợi ích gì cho xã hội ngoại trừ việc giúp nhà nước "quyên góp" tiền trong dân. 
    Nhiều người nghĩ rằng vé số giúp những người già, trẻ em, người cơ nhỡ có công ăn việc làm.
    Vậy tại sao không cho họ đi làm ngành khác?
Vì họ quá lớn tuổi (người già), vì họ chưa đủ tuổi (trẻ em), vì họ tàn tật,.... muôn vàng lý do.


Nhưng thực tế thì, Xổ số là ngành được phép bóc lột sức lao động của người già, trẻ em và người tàn tật MỘT CÁCH HỢP PHÁP.
Nếu cho một em bé 7 tuổi vào làm một quán cơm thì Nhà nước sẽ phạt ngay và lập tức ra lệnh cấm. Nhưng đưa đứa bé đó đi bán vé số, tức là "vào làm việc cho cơ quan nhà nước" thì hợp pháp.

THẬT NGHỊCH LÝ

TƯ NHÂN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG NGƯỜI GIÀ, TRẺ EM, NGƯỜI TÀN TẬT CÒN NHÀ NƯỚC THÌ ĐƯỢC.

Nhà nước có thể nói rằng mình không quản lý những người này, nhưng trên thực tế là Nhà nước đang cho phép họ. Nếu họ không bán thì ai bán?

Chúng ta có thể thấy rằng Xổ số là một ngành không sinh ra giá trị. Ví dụ: Một công ty may mặc sẽ làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu mặc của con người. Có các công ty may mặc thì chúng ta mới có quần áo để mặc. Đó là giá trị của công ty may mặc. Còn nếu không có ngành Xổ số? Theo tôi nghĩ sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, chẳng ảnh hưởng gì đến ta cả; ngoại trừ tiếp kiệm được vài chục ngàn (tiền mua vé số). 

Bạn có thể nghĩ rằng không có ngành Xổ số là cờ bạc sẽ gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhà nước có cấm cờ bạc NHƯNG KHÔNG NGĂN ĐƯỢC NÓ DIỄN RA.

Xem Bài cũ hơn: Nhà nước bán hàng "chèo kéo" khách (1)

Nhà nước bán hàng "chèo kéo" khách (1)

     Chúng ta luôn cảm thấy rất bực mình trước những hình thức bán hàng chéo kéo khách. Và nhà nước cũng đã cố gắng để loại bỏ các hình thức bán hàng như thế tại các điểm du lịch cũng như toàn quốc. Thế nhưng Nhà nước lại đang điều hành một ngành kinh doanh cheo kéo người mua. Và chúng ta, những người dân chứ không cần phải là du khách cũng đã và đang trở thành nạn nhân của trò bán hàng "chéo kéo" này ngày này qua ngày khác.
     Chắc hẳn bạn đang thắc mắc đó là ngành gì? Và có thực không?
     Đó chính là ngành Xổ Số.

    Ngành Xổ Số là một ngành kinh doanh độc quyền của Nhà nước, do Nhà nước quản lý.
    Chúng ta hãy nhìn xem cung cách bán hàng của ngành xổ số.
"Anh ơi, làm ơn mua giúp em mấy tờ vé số. Em chỉ còn 2 tờ thôi, mua giúp em đi anh".
"Chị ơi mua dùm em một tờ đi chị, sáng giờ em đi hoài mà chưa bán được tờ nào". Thấy khách không đồng ý thì lại tiếp tục "chéo kéo".
Một người đàn bà rách rưới ẩm con nhỏ theo với mục đích chèo kéo, tìm kiếm lòng thương hại.
Một em nhỏ bán vé số
   Trên thực tế, hàng ngày, hàng giờ chúng ta phải tiếp xúc với những người bán vé số, từ những em nhỏ 3-4 tuổi tới những cụ ông cụ bà 60-70 tuổi, từ trai tráng khỏe mạnh, cô gái trẻ trung cho tới người tàn tật. Hầu như tất cả đều chèo kéo người mua.
    Ngồi uống cà phê ở một quán vỉa hè chừng một tiếng đồng hồ là phải tiếp xúc với hàng chục người bán vé số. Mỗi người họ đâu chỉ nói một câu. Nội từ chối không cũng khiến khách hàng bực mình.
     

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Vai trò của công nghiệp hóa đối với Việt Nam

Công nghiệp hóa đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa lên tiếng cảnh báo rằng các nền kinh tế châu Á khao khát tăng trưởng mà bỏ qua giai đoạn công nghiệp hóa, nhảy vọt từ nông nghiệp sang dịch vụ có thể rơi vào "bẫy thu nhập trung bình”. 

Theo nhà kinh tế Changyong Rhee, hiện phần lớn các nền kinh tế châu Á đang chuyển hướng trực tiếp từ ngành nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, bỏ qua công nghiệp hóa. Tuy nhiên, trong lịch sử, gần như không có một quốc gia nào trở thành nước có thu nhập cao mà không tiến hành công nghiệp hóa ở một mức độ đáng kể. Chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ý thức được vấn đề này, và từ rất lâu, Việt Nam luôn đặt mục tiêu công nghiệp hóa trong chính sách phát triển dài hạn. Tuy vậy, thành quả hiện tại vẫn còn rất nhiều hạn chế do yếu kém về cả nguồn vốn lẫn nguồn nhân lực.
Trích MBS research

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Nga xúc tiến nhiều dự án lớn tại Việt Nam

Dự án gồm xây nhà máy sản xuất xốp titan và có thể cả dự án nhà máy điện Sông Hậu 3 và Vũng Áng 3 theo đề nghị của Việt Nam.

Việt Nam và Liên bang Nga đã ký biên bản cuộc họp của tổ công tác cấp cao Việt Nam - Liên bang Nga về các dự án ưu tiên đầu tư. Theo đó, hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện tất cả các dự án hợp tác của các doanh nghiệp 2 quốc gia sắp tới.

Biên bản cuộc họp của tổ công tác cấp cao Việt Nam - Liên bang Nga được Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Lê Dương Quang và Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Likhachev Alexcy Evegenievich ký ngày 23-8-2013 tại TPHCM.

Trong danh sách các dự án hợp tác trên có dự án xây dựng nhà máy sản xuất xốp titan tại Việt Nam do Tập đoàn VSMPO - AVISMA của Nga và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất đầu tư.

Phía Việt Nam cũng đề nghị Tập đoàn Inter RAO (Nga) xem xét khả năng tham gia vào 2 dự án nhà máy điện Sông Hậu 3 và Vũng Áng 3. Hiện nay công ty của Nga này đang muốn tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2.

Việt Nam cũng sẽ xem xét Công ty Power Machines của Nga là đối tác ưu tiên trong trường hợp tiến hành đấu thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 cũng như việc hiện đại hóa nhà máy thủy điện Hòa Bình với điều kiện phải đảm bảo chất lượng thiết bị cung cấp.

Việt Nam cũng quan tâm đến việc Công ty Uralvagonzavod thành lập nhà máy sản xuất đầu máy và toa xe vận tải đường sắt công suất 2.000 toa tàu các loại với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ.

Ngoài ra, Công ty GeoProMining của Nga cũng mong muốn tìm kiếm đối tác cùng triển khai dự án nhà máy sản xuất titan tại Bình Thuận và đưa dự án này vào Kế hoạch tổng thể phát triển ngành sản xuất titan của Việt Nam.

Từ 2007-2012, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã tăng gấp 4 lần. Trong năm 2013, dự báo kim ngạch thương mại song phương hai nước sẽ đạt 4 tỷ USD và mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng lên con số 20 tỉ đô la Mỹ, theo ông Evegenievich, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga.

Ông cho biết, trong số 4 tỷ USD kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2013 có đến 3 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Việt Nam xuất sang Nga, với các sản phẩm như thủy sản, nông sản, cao su, chè, trái cây... Các sản phẩm từ xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam gồm sắt thép, máy móc thiết bị, phân bón.

Theo ông Quang, hiện nay Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan đã tiến hành được 2 phiên đàm phán, phiên đàm phán thứ 3 dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2013 tại Minsk (thủ đô Cộng hòa Belarus).

Ông Evegenievich nói, khi Việt Nam tham gia vào khối liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan, các mức thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam có thể sẽ giảm xuống còn 5%, 3% hoặc thậm chí còn 0%, giảm khá mạnh so với mức thuế suất 10% như hiện nay.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

'Công nghiệp tổ yến' Việt Nam lên báo Mỹ

Được coi là "trứng cá muối của phương Đông", một cân tổ yến có giá bán buôn 1.000 - 1.500 USD và 2.500 USD bán lẻ. Một nhà yến có thể giúp người chủ kiếm triệu USD mỗi năm

Tại Việt Nam, thu nhập trung bình chỉ hơn 150 USD một tháng, Mai Vu và chồng - David Nguyễn vẫn thường xuyên chi tới 250 USD cho món tổ yến khoái khẩu, Bloomberg viết. Họ là điển hình cho tầng lớp trẻ tuổi ngày càng ưa chuộng món ăn thuộc hàng đắt đỏ nhất nhì thế giới. Giới trung lưu Việt Nam đang tích cực săn tìm thực phẩm có lợi cho sức khỏe, nhất là tổ yến, món ăn được cho là có khả năng chống lại nhiều bệnh tật.

Vu năm nay 28 tuổi và đang làm việc cho một ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội. Cô nói: "Đây là một trong những sản phẩm rất có giá trị, có thể đem tặng cả những người đã có mọi thứ".

Tổ yến trước đây chỉ dành cho hoàng tộc. Nhu cầu hiện nay thổi bùng ngành công nghiệp tổ yến toàn cầu với doanh thu 5 tỷ USD / năm, chủ yếu phục vụ người châu Á, Tok Teng Sai - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh tổ yến Malaysia cho biết. Việt Nam cũng đang bắt kịp Malaysia và Indonesia, hai quốc gia sản xuất tổ yến lớn nhất khu vực. 

"Rất nhiều người đang kiếm được cả núi tiền nhờ món này", Loke Yeu Loong - Giám đốc Swiftlet Eco Park (Malaysia) - công ty kinh doanh các sản phẩm từ tổ yến cho biết thêm.

Indonesia sản xuất khoảng 70% tổ yến của thế giới, theo sau là Malaysia với 20%. 

Giữa năm 2011, VinaCapital đã đầu tư 7,5 triệu USD vào nhà yến ở miền Trung Việt Nam với khoảng 100.000 con. "Trung Quốc và Việt Nam là những nước tiêu thụ tổ yến mạnh nhất. Họ tin rằng tổ yến có rất nhiều tác dụng với sức khỏe, đặc biệt là chống lão hóa và nâng cao hệ miễn dịch". Ngành công nghiệp này có doanh thu ước tính 200 triệu USD mỗi năm tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 25%.

Các tòa nhà bốn tầng bằng bê tông phỏng theo hang động tự nhiên ngoài bờ biển mà loài yến thường sinh sống đã được dựng lên trên khắp Việt Nam. Sau số vốn xây dựng ban đầu 70.000 - 500.000 USD, và chi phí hàng tháng khoảng 50 USD, một nhà yến có thể giúp chủ nhân kiếm khoảng 1 triệu USD mỗi năm, anh Hoàng cho biết.

"Chẳng có gì đảm bảo việc đầu tư làm nhà yến sẽ sinh lời", anh Hoàng cho biết. Rất nhiều nhà không thể thu hút yến và chúng cũng có thể chết nếu mắc bệnh nguy hiểm. "Đây là ngành công nghiệp rủi ro khá cao", Hoàng cho biết.

Ở Phan Rang – Tháp Chàm, chính quyền địa phương cũng đang lên kế hoạch mở rộng ngành công nghiệp tổ yến lên 2,8 triệu con năm 2020. Nhà yến lớn nhất ở đây giúp thu về 50.000 USD mỗi tháng.

Năm 2011, Trung Quốc đã cấm tổ yến nhập khẩu từ Malaysia sau khi phát hiện lượng nitrat lớn còn tồn lại. Hậu quả là "toàn bộ ngành công nghiệp này ở Malaysia đã sụp đổ", Loke cho biết. 

Việt Nam không bị ảnh hưởng từ lệnh cấm trên, vì thế, ngành công nghiệp tổ yến chỉ vừa mới cất cánh. Hoàng cho biết: "Rào cản công nghệ ở đây rất thấp. Vì thế, các công ty vẫn đang mọc lên như nấm".

Thùy Linh (Trích từ vnexpress.net)

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

ốc bươu vàng giá trị hơn lúa!

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá lúa rẻ hơn giá ốc bươu vàng. Bà con nông dân nói đùa vui với nhau nhưng đó là nỗi đau của cả một nền nông nghiệp đang tự hào xuất khẩu gạo nhất thế giới. 


Phi lý

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất được ví von là vựa lúa của Việt Nam, và là vựa lúa lớn Đông Nam Á. Suốt năm này sang năm khác, người nông dân ở đây phải đương đầu với rất nhiều thiên tai, thảm họa, và vì thế cuộc sống của họ càng ngày càng chật vật hơn. 
 
Vài năm trước, vùng ĐBSCL kinh qua thảm nạn "ốc bươu vàng". Đó là loại ốc do ai đó, vì lí do nào đó đã "du nhập" từ Trung Quốc hoặc Đài Loan về Việt Nam. Những con ốc sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt. Nhưng chúng cũng tàn phá ruộng lúa theo tốc độ cấp số nhân.

Những cây lúa chưa kịp lớn đã bị chúng “cắt” ngang. Nông dân khốn đốn nhìn lúa bị huỷ hoại mà không làm gì được. Có năm, như 2010, có hàng chục ngàn ha bị chúng phá sạch. Đến vài năm sau người ta mới tìm thấy "tác dụng" của ốc bươu vàng: làm thức ăn cho vịt. Thế là bà con nông dân, kể cả trẻ con, đi ruộng bắt ốc bươu vàng bán cho các trại nuôi vịt. Nhưng ốc bươu vàng được xem là thứ "rác rưởi", như cây cỏ, nên giá bán cũng rất thấp.

Nhưng nay, lúa có giá trị thấp hơn ốc bươu vàng. Đó là một thực tế. Một kílô ốc bưu vàng giá 15000 đồng. Ba kí lô lúa chỉ khoảng 10000-12000 đồng. Ba kílô lúa không bằng 1 kílô ốc bươu vàng. Tôi không biết có nơi nào mà người ta có thể ăn ốc bươu vàng thay cho gạo. 

Người nông dân vốn nghèo nay càng nghèo hơn. Trước khi sạ lúa, bà con đã phải vay tiền để mua phân bón, thuốc trừ sâu. Giá phân bón và thuốc trừ sâu lúc nào cũng gia tăng theo thời gian. Thành ra, bây giờ khi thu hoạch lúa xong thì họ hoặc là lỗ hoặc huề vốn. Có người sau một mùa vụ thì trắng tay vẫn hoàn trắng tay.

Ai hưởng lợi?

Chính phủ có Nghị quyết “Về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” và “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất.” Con số lời 30% có lẽ ru ngủ nhiều người và đẹp trên trang giấy, nhưng trong thực tế thì giá lúa tính chung giảm 30% từ năm 2011 đến 2012.

Sở dĩ có tình trạng này là người nông dân bị ép giá khi mới thu hoạch. Nhưng vì phải thanh toán nợ nần nên họ đành phải bán lúa dưới giá sàn. Hậu quả là những con thương hưởng lợi. Thống kê cho thấy trong hai năm 2008-2009, Việt Nam xuất khẩu gần 11 triệu tấn gạo trị giá 5.5 tỉ USD, và tính trung bình giá xuất khẩu là 10,360 đồng một kílô. Trong khi đó giá mua thì chỉ 7000 đồng/kí.

Thêm vào đó là chính sách tạm trữ lúa gạo của Nhà nước vô hình chung tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mua lúa và tạm trữ. Các doanh nghiệp này, dù đã được hưởng lợi từ Nhà nước, chọn thời điểm để ép giá lúa, và hệ quả là người nông dân lãnh đủ.

Do đó, không ai ngạc nhiên khi phụ nữ xếp hàng đi lấy chồng Tàu, Hàn (một số thì bị chết thảm), và vấn nạn này là một quốc nhục.

Trong khi đó, nam thanh niên thì đi lang bạt làm thuê ở các khu kĩ nghệ khắp nước. Đến mùa gặt lúa rất khó tìm nhân công. Thêm vào đó là sự tăng trưởng dân số cộng với sự thiếu qui hoạch đã gây nên sức ép môi trường ghê gớm. Hệ quả là môi trường sống và môi trường canh tác càng ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng.

Những người dân thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa Việt Nam thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Họ đã đóng góp và đem về cho ngân sách hàng tỉ USD mỗi năm. Ấy thế mà người dân vùng ĐBSCL bị thiệt thòi nhất nước. Đánh giá qua bất cứ chỉ tiêu nào (giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, đường xá, nhà ở, v.v.) ĐBSCL đứng hạng chót hay áp chót.

Một quan chức cao cấp thuộc vùng ĐBSCL từng giải thích sự sa sút của vùng đất lúa gạo này: “ĐBSCL ở xa trung ương quá, lâu lâu Bộ mới vào một lần. Trung ương mà không sớm thay đổi chánh sách, bỏ rơi thì miền Tây không thoát nghèo được”…

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (VietQ)

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Các cường quốc vẫn đang nhập siêu

Theo số liệu tháng 5/2013, Mỹ, Nhật, Anh, Canada đang nhập siêu.

Số liệu xuất nhập khẩu của các cường quốc tháng 5 năm 2013:
a
Quốc Gia
Xuất khẩu
Nhập khẩu
Cán cân thương mại
Mỹ
187 tỷ USD
232 tỷ USD
   -  45 tỷ USD
Nhật
6061 tỷ JPY
6242 tỷ JPY
   - 181 tỷ JPY
Anh
25.5 tỷ GBP
34 tỷ GBP
   - 8.5 tỷ GBP
Canada
39.3 tỷ CAD
39.6 tỷ CAD
- 0.3 tỷ CAD
Thụy sĩ
14 tỷ CHF
13.8 tỷ CHF
+ 0.2 tỷ CHF
Úc
26 tỷ AUD
25.5 tỷ AUD
+ 0.5 tỷ AUD


Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Ông chủ người Việt Nam đổi tên thị trấn ở Mỹ

TT - Ngày 29-7, thị trấn Buford (bang Wyoming, Mỹ), do ông Phạm Đình Nguyên mua cách nay một năm, đã chính thức mở cửa trở lại.
Ông Phạm Đình Nguyên tại cây xăng ở thị trấn do mình làm thị trưởng - Ảnh: CTV
Ông Nguyên, chủ nhân và là thị trưởng của thị trấn Buford, cho biết sẽ đổi tên thị trấn và thực hiện kế hoạch kinh doanh cà phê rang xay Việt Nam ngay tại thị trấn này. 

Ông Nguyên nói: "Tôi hi vọng việc tổ chức kinh doanh cà phê thương hiệu Việt Nam ngay tại thị trường Mỹ sẽ giúp quảng bá đến tận tay người tiêu dùng Mỹ sản phẩm cà phê Việt cũng như cách thưởng thức cà phê Việt Nam.

Chúng tôi đã bổ nhiệm ông Don Sammons - chủ cũ của thị trấn này - làm “đồng thị trưởng”, trực tiếp điều hành thị trấn. Sau ngày 3-9-2013, cùng với sự kiện đổi tên, thị trấn sẽ phục vụ cà phê miễn phí khách đến tham quan.
Tháng 4-2012, ông Phạm Đình Nguyên đã bỏ ra khoảng 900.000 USD để được sở hữu thị trấn Buford thông qua một cuộc bán đấu giá trực tiếp và trở thành thị trưởng của thị trấn này. Tại thời điểm đó, thị trấn Buford chỉ có một cư dân, với hạ tầng là một cửa hàng tiện lợi, một trạm xăng, một trạm điện thoại và khoảng 1.000-2.000 lượt người ghé qua mỗi ngày.

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này không?


- Tôi tận dụng cửa hàng tiện lợi rộng 200m2 tại thị trấn Buford để mở quán cà phê. Tại đây, tôi sẽ pha chế và bán trực tiếp hai nhóm sản phẩm là cà phê siêu sạch và thượng hạng, có trọng lượng 250-500 gam/gói, đảm bảo nguồn nguyên liệu sử dụng hạt cà phê đúng chuẩn, tuyệt đối không sử dụng các hóa chất độc hại tạo mùi, màu...

Để có thể thực hiện dự án này, chúng tôi đã trải qua một quá trình làm việc và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, do việc đưa sản phẩm thực phẩm vào thị trường Mỹ là một chuyện “trần ai khoai củ”.

Chúng tôi phải đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) các thông tin chi tiết về công ty và sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ. Rồi quá trình sản xuất, lưu kho, cho đến vận chuyển các sản phẩm đều phải được cung cấp cho FDA... Tuy nhiên đến nay, sau quá trình nỗ lực, chúng tôi đã hoàn tất việc đưa sản phẩm cà phê Việt Nam vào giới thiệu và kinh doanh tại thị trấn này.

* Thương hiệu cà phê dự kiến bán tại Buford là gì và ông có kế hoạch nào để quảng bá cho thương hiệu cà phê này?

- Tôi lấy thương hiệu cà phê là PhinDeli. Chữ “Phin” là từ đầu tiên trong phin cà phê, một vật dụng pha chế quen thuộc cho thức uống gần như là “quốc hồn quốc túy” của người dân Việt Nam. Còn Deli là viết tắt của chữ “delicious” - thơm ngon.

Để quảng bá cho thương hiệu cà phê này, nói thật tôi không có nhiều tiền để thực hiện theo cách truyền thống. Bởi chi phí quảng cáo ở Mỹ rất đắt. Một trang quảng cáo trên báo The Wall Street Journal là gần 500.000 USD. Còn những spot quảng cáo trên tivi thì tính bằng trăm ngàn USD.

Do đó, chúng tôi sẽ tạo ra một câu chuyện hay, hấp dẫn báo chí, Internet, đặc biệt là các mạng xã hội. Cụ thể, chúng tôi sẽ đổi tên Buford thành thị trấn cà phê PhinDeli. Lễ công bố đổi tên thị trấn sẽ được chính thức tổ chức tại Buford vào ngày 3-9-2013.

Thông báo đổi tên này sẽ được cho in ngay trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, để thu hút khách lái xe xuyên bang, chúng tôi cũng sẽ dựng các panô lớn dọc xa lộ từ Cheyenne (thủ phủ bang Wyoming) đi tới PhinDeli, thay cho Buford trước đây. Tôi hi vọng sự kiện này sẽ thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, qua đó nhiều người sẽ biết và quan tâm đến thị trấn PhinDeli.

* Ông có tự tin sẽ thành công với một sản phẩm cà phê không mấy quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ, chưa nói đến phong cách thưởng thức cà phê cũng khác nhau?

- Làm kinh doanh thì phải tính đường dài. Kinh doanh ở Mỹ phải tính bằng năm. Mọi thứ ở Mỹ như tôi nói rất đắt đỏ. Vì vậy, chúng tôi phải đi từng bước một. Đầu tiên, chúng tôi nhắm vào người Mỹ gốc Việt Nam, những người ít nhiều cũng đã biết đến cà phê phin. Sau đó chúng tôi từng bước mở rộng sang những nhóm người khác.

Về phân phối, trước mắt PhinDeli sẽ tập trung bán hàng qua mạng thông qua trang thương mại điện tử Amazon. Đây là trang web bán hàng trực tuyến lớn nhất tại Mỹ. Sau đó chúng tôi sẽ xúc tiến mạnh mẽ việc đưa hàng vào các chuỗi siêu thị. Cũng bắt đầu là những chuỗi của người châu Á ở bờ Tây và bờ Đông. Sau đó chúng tôi mới tính tiếp đến các chuỗi lớn như Wal-Mart, Cosco.

Tất nhiên mọi việc không đơn giản. Nhưng tôi sẵn sàng đi đến cùng để biến giấc mơ cà phê Việt Nam trên đất Mỹ trở thành hiện thực. Tôi cảm thấy rất hào hứng bắt đầu cuộc hành trình mới. Hào hứng như lúc tôi mua thị trấn này vậy.
TRẦN VŨ NGHI thực hiện

Mai Hưng săn danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế

Đương kim vô địch cờ vua quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Mai Hưng vừa lên đường sang Hungary tập huấn, thi đấu trong vòng 1 năm rưỡi nhằm tìm kiếm danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế nữ.
Người đẹp thông minh. Ảnh: Bạch Dương

3 năm trước khi mới 16 tuổi, kỳ thủ quê Bắc Giang Nguyễn Thị Mai Hưng đã xuất sắc đoạt danh hiệu nữ kiện tướng quốc tế. Đó cũng là thời điểm nữ kỳ thủ đất nước Việt Nam tỏa sáng với danh hiệu vô địch U.16 châu Á, á quân U.16 thế giới cùng ngôi vô địch Đại hội TDTT toàn quốc. Mai Hưng chứng tỏ sự tiến bộ vững chắc khi lên ngôi vô địch quốc gia năm 2011, đoạt HCV SEA Games 26. Năm 2013, Mai Hưng tiếp tục đoạt ngôi số 1 quốc gia.

Ở tuổi 19, kỳ thủ Việt Nam Mai Hưng tiếp tục được đầu tư để phát triển nghiệp cờ. Chuyến tập huấn, du đấu tại Hungary lần này do Liên đoàn Cờ vua Việt Nam, Sở VH-TT-DL Bắc Giang đài thọ nhằm giúp Mai Hưng cán mốc elo 2.400 đồng thời tham dự các giải quốc tế để lấy 3 chuẩn Đại kiện tướng quốc tế nữ. Nếu đạt những điều kiện trên, Mai Hưng sẽ được phong danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế nữ mà hiện cờ vua Việt Nam có 4 kỳ thủ nữ đạt được là Thảo Nguyên, Thanh Tú, Bảo Trâm, Thanh An.

Nguyễn Thị Mai Hưng cho biết mục tiêu lớn hơn của cô chính là danh hiệu Kiện tướng quốc tế nam. Đây là danh hiệu mà trong làng cờ vua nữ Việt Nam hiện tại chỉ mỗi mình Phạm Lê Thảo Nguyên đạt được.

Hoàng Quỳnh (Thanh niên online)

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Ước mơ thành kỹ sư an ninh mạng của thủ khoa nghèo

Niềm vui của gia đình Hoàng khi nghe tin em đậu thủ khoa ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Trăn trở vấn đề an ninh mạng đang đe dọa toàn cầu, thủ khoa Trần Nhật Hoàng (ĐH Bách khoa Đà Nẵng - Việt Nam) đã từ bỏ ước mơ thành nhà nghiên cứu toán học để theo đuổi ngành công nghệ thông tin.

Căn nhà không số nằm sâu trong ngõ trên đường Phạm Như Xương (Đà Nẵng - Việt Nam) những ngày qua đầy ắp tiếng cười khi Trần Nhật Hoàng (HSchuyên Toán, trường Lê Quý Đôn) đậu thủ khoa ĐH Bách khoa Đà Nẵng với 27 điểm.

Bố Hoàng, ông Trần Đăng Sinh (công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh) kể trong giờ nghỉ trưa mấy người bạn cùng chỗ của ông làm đọc báo, hỏi "ĐH Đà Nẵng mới công bố thủ khoa, con ông tên gì để tôi xem". Ông trả lời và không tin vào mắt mình khi thấy tên con trên báo. "Cả buổi chiều tôi nóng hết cả ruột, chờ hết buổi làm để về gặp con", ông Sinh nói. 

Lấy tập giấy khen của cậu con trai, ông Sinh cho biết ngoài thành tích 2 năm lớp 11 và 12 đạt giải nhì kỳ thi môn Toán cấp thành phố, Hoàng luôn là học sinh giỏi đứng đầu lớp.

Hiện ông làm lao động phổ thông, vợ làm hành chính tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Vợ chồng ông động viên con bằng việc mua chiếc xe đạp khi Hoàng thi đậu trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với vị trí thứ 7, mua cây đàn ghita khi Hoàng đậu tốt nghiệp.

"Hoàng biết gia đình kinh tế eo hẹp nên ba năm nay cháu đi một đôi dép đến trường. Cháu cũng không đua đòi gì, nhưng cũng kén ăn lắm, người cao 1m73 mà cân nặng chỉ được 49kg", ông Sinh nói và cho biết căn nhà mái tôn, nền nhà sụp lún do nằm trong dự án giải tỏa "treo" của gia đình thiếu ánh sáng là lý do tân thủ khoa này mang cặp kính cận 3,5 độ.

Không nhận mình ngoan như lời bố, Hoàng nói thi thoảng em cũng thích chơi game. Suốt một tháng trước ngày thi, cậu học bài miệt mại đến đêm, nhiều lúc thức quá mẹ cậu phải nhắc nhở vì lo con không đủ sức khỏe cho kỳ vượt vũ môn.

"Em luôn động viên mình phải gắng học để thoát nghèo", Hoàng tâm sự. Em dành toàn bộ học bổng 260.000 đồng một tháng để nộp tiền xe bus đi học. Nhiều hôm đi học bồi dưỡng môn Toán, bố mẹ bận đi làm, em lại túc tắc xe đạp hơn 12km đến trường. Về nhà, cậu học sinh chuyên toán lại giúp em trai học bài.

"Khi làm bài thi, điều cần thiết là phải định hướng sẽ làm câu nào trước, phân bổ thời gian cho từng câu cho hợp lý để không bị trễ giờ và cần thiết phải dành thời gian đọc lại bài. Như những câu phương trình, tưởng chừng đơn giản nhưng dễ mắc những lỗi về dấu, lý luận", Hoàng nói.

Lúc đầu Hoàng dự định thi vào ngành Toán vì sở thích và ước mơ sẽ trở thành một nhà toán học nhưng khi đọc được thông tin về an ninh mạng đang bị đe dọa, em quyết định chọn ngành công nghệ thông tin. Em cũng đăng ký dự thi khối B vào trường ĐH Y dược Huế nhưng phần vì sợ bố mẹ tốn thêm tiền, phần vì không muốn xa nhà nên chỉ thi vào ĐH Bách khoa.

"Luật bản quyền ở Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng, phần mềm nào vừa nghiên cứu ra vài tháng đã bị xâm nhập, bẻ khóa "xài chùa". Em muốn trở thành kỹ sư tin học để góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà nước và đặc biệt là chất xám của những người đã mất nhiều công sức sáng chế ra các phần mềm đó", Hoàng nói.

Nguyễn Đông (vnexpress.net)