Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Đường ống nước Sông Đà gặp sự cố lần thứ 19

Quá trình duy tu bảo dưỡng, Công ty nước sạch Sông Đà đã phát hiện ra điểm xung yếu, rò rỉ nước nên đã dừng cấp nước cho 70.000 hộ dân để khắc phục.
Đường ống nước sạch Sông Đà vỡ lần thứ 19 sau vài năm hoạt động. Ảnh: Bá Đô
Theo lãnh đạo Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco), gần 20h tối 14/9, nhân viên của công ty trong quá trình kiểm tra đường ống để duy tu bảo dưỡng định kỳ đã phát hiện ra điểm xung yếu, nước rò rỉ và phun lên mặt đất ở đoạn qua Km21 + 600, Đại lộ Thăng Long.

Viwasupco đã huy động công nhân và máy móc đến hiện trường khắc phục sự cố. Đến 22h30, Công ty phải tạm ngừng cấp nước cho hơn 70 nghìn hộ dân. Sự cố được khắc phục trong đêm và đã cấp nước trở lại cho người dân.

Đây đã là lần thứ 19 đường ống này bục vỡ. Lần vỡ gần đây nhất vào ngày 11/7, đường ống bị vỡ tại Km 27+ 600 trên Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội). 

Bá Đô (vnexpress.net)

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Khách hàng phải trả thêm tiền vì tổn thất của ngành điện

Tỷ lệ tổn thất tuy giảm xuống dưới 8% những năm gần đây song với 160 tỷ kWh điện được sản xuất mỗi năm, con số hao hụt bị tính vào giá điện là rất lớn. 

Số liệu được Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) - Ngô Sơn Hải công bố tại hội nghị về công tác giảm tổn thất điện năng vừa qua cho thấy mức hao hụt trong hệ thống của EVN đã giảm dần trong 5 năm, từ 10,15% xuống còn 7,94%. "Với sản lượng năm 2015 khoảng 160 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất điện giảm 1% cũng có ý nghĩa vô cùng lớn", ông Hải chia sẻ và cho biết mục tiêu của EVN trong 5 năm tới là đưa tỷ lệ này về khoảng 6,5%. 

Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực, tổn thất điện năng được tính vào giá điện, nên tỷ lệ càng cao thì khách hàng càng phải trả nhiều tiền "oan". Vì vậy, giảm tỷ lệ tổn thất là thách thức với "ông lớn" ngành điện hiện nay.
Ngành điện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống 6,5% vào 2020. Ảnh: NPT
Thừa nhận thách thức nêu trên, Phó tổng giám đốc EVN - Ngô Sơn Hải chia sẻ rằng ngành điện rất muốn giảm nhanh tỷ lệ tổn thất song điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn, lưới điện, vốn đầu tư...

"Nhiều người thắc mắc vì sao không giảm tỷ lệ tổn thất điện về 0%? Ngành điện cũng rất mong muốn như vậy, nhưng có giảm được hay không còn phụ thuộc vào đặc tính kỹ thuật của hệ thống. Hệ thống nguồn, lưới truyền tải điện càng tập trung, tổn thất càng nhỏ và ngược lại", lãnh đạo EVN giải thích.

Ông Hải cho hay trong vòng 5 năm tới, EVN sẽ tập trung nguồn lực vốn "đổ" vào đầu tư xây dựng hệ thống lưới, nguồn điện. Đơn cử, tập đoàn này sẽ đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 7.000 MW, cũng như đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm như Nhiệt điện Duyên hải 3 (1.244MW), Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200MW)... 

Cùng với đó, EVN sẽ tập trung đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải, đấu nối và giải toả công suất nguồn điện; phát triển vành đai lưới điện ở cấp điện áp 500kV, 220kV khu vực Hà Nội, TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm...

Nguyễn Hoài (vnexpress.net)