Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Việt Nam phản đối Trung Quốc

Bản "Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc" mà Trung Quốc mới công bố, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị
Ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã trả lời câu hỏi về việc ngày 19/4, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố "Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc" giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực biển, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ông Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982".

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải hủy bỏ ngay bản quy hoạch nêu trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Vũ Hà

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Hà Nội - một trong 10 thành phố ẩm thực bậc nhất Châu Á


Hà Nội vừa được CNN bình chọn là một trong 10 địa điểm ẩm thực đường phố hấp dẫn châu Á. Trong danh sách này còn có Penang (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Fukuoka (Nhật Bản)...

CNN miêu tả Hà Nội như một thủ đô thực phẩm ấn tượng nhất thế giới. Nhiều du khách cũng nhận định đây chính là thiên đường của thức ăn đường phố; những món tuyệt vời nhất ở Hà Nội luôn đậm đà hương vị truyền thống với nước mắm, tỏi, ớt và các loại rau thơm.
Sau đây là 10 món ăn đặc trưng của Hà Nội được trang báo này giới thiệu:

1. Bún chả:
Bún chả luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người Hà Nội. Chả được làm từ sườn heo nướng than, ăn kèm với bún và nước mắm chua ngọt chế biến bằng chanh, tỏi, ớt, cho thêm mỡ hành, rau sống, rau thơm.



2. Phở:
Quê hương của phở là Hà Nội, với sợi phở tinh khiết được làm từ gạo thơm và nước súp xương hầm, ăn kèm rau thơm, ớt, chanh và vài lát thịt tái. Món ăn này hiện nay đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
3. Bún riêu cua:
Đây cũng là một món ăn bổ dưỡng và rất phổ biến. Súp cà chua và thịt cua xay nhuyễn chắt lấy nước cốt đem đun sôi, nêm gia vị, sau đó chan lên tô bún gạo rồi cho thêm vài miếng đậu hũ chiên giòn. Thực khách có thể nêm thêm chút mắm tôm kết hợp ớt, chanh và rau thơm.




4. Gà nướng:
“Phố gà” Lý Văn Phúc ở Hà Nội được biết đến như thiên đường của các món gà nướng. Cánh, chân gà, khoai tây, và bánh mì được phết mật ong trước khi nướng ăn kèm với tương ớt và dưa chuột ngâm. Đây là một trong những món đường phố phổ biến, đặc biệt "dân nhậu" 
5. Xôi:
Xôi được gói bằng lá chuối và có hàng chục loại khác nhau như xôi gà, xôi bắp, xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi đậu đen… thường ăn kèm với muối vừng.
6. Cà phê đá:
Cùng với bánh mì, cà phê được người Pháp đưa vào Việt Nam và đã trở thành một trong những thức uống lâu đời ở đất nước hình chữ S
7. Nem cua bể:
Bạn có thể tìm thấy nhiều món nem ngon trên khắp đất nước Việt Nam, nhưng nem cua bể làm từ thịt cua tươi vẫn là số một. Nem được cuốn lại thành hình vuông trước khi chiên. Nem cua bể là món đặc sản của thành phố Hải Phòng, song đến nay nó trở thành món ăn đường phố được yêu chuộng rộng khắp ở thủ đô Hà Nội.




8. Cháo cá:
Cháo nấu từ hạt gạo ninh nhừ, sau đó thêm thịt cá phi lê và xào với các loại gia vị, ăn với hành lá, gừng, và thì là. Đây là một món ăn sáng tuyệt vời
9. Bánh cuốn:
Bánh cuốn là một món ăn điểm tâm đậm chất miền Bắc. Gạo được xay nhuyễn với nước, sau đó tráng mỏng trên chảo nóng để cuốn nhân. Nhân bánh được làm từ thịt lợn băm với nấm mộc nhĩ. Ăn nóng với nước mắm ớt kèm giò hoặc chả.
10. Mực nướng:
Mực được phơi khô sau đó nướng trên than hồng và xé nhỏ, bày bán ở hầu hết quán ăn tại Việt Nam.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Hàng Việt bị làm giả ở Trung Quốc

Nhiều năm nay, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế. Gần đây quốc gia đông dân này đang dần trở thành thị trường tiềm năng cho những đặc sản tinh chế của Việt Nam thì lại xuất hiện hàng giả.
Cà phê G7 của Trung Nguyên bán tại thị trường Trung Quốc
Theo Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Hải Dương, nhiều sản phẩm xuất khẩu của các DN trong tỉnh có ưu thế vượt trội về giá bán so với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Chẳng hạn như cải bắp, ớt ngọt, cà chua, vải thiều sấy khô, long nhãn, bánh đậu xanh Hải Dương hiện có giá thấp hơn từ 10-15% so với các sản phẩm của Trung Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm mang thương hiệu Việt bị làm giả, làm nhái quá nhiều tại các khu vực cửa khẩu, đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cũng bức xúc: “Trong thời gian gần đây chúng tôi phát hiện các sản phẩm giả mạo trái cây sấy của Vinamit tại thị trường Trung Quốc. Họ làm các loại mít sấy, trái cây sấy, sử dụng cả tên và địa chỉ công ty chúng tôi trên bao bì, giả danh công ty chúng tôi là nhà sản xuất. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công ty chúng tôi”.

Theo đại diện Công ty cà phê Trung Nguyên, thị trường tiêu thụ cà phê hòa tan tại Trung Quốc rất tiềm năng, có thể thấy nhiều điểm thuận lợi, nhưng nạn làm giả sản phẩm hết sức phổ biến đang gây lo lắng cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Khi chúng tôi phát hiện ra thì lập tức nhờ đến cơ quan chức năng ở địa phương để phối hợp xử lý. Hiện nay Trung Nguyên chỉ tập trung phân phối ở hệ thống siêu thị Trung Quốc để bảo đảm không bị làm giả”, đại diện công ty này cho biết. 

Bà Vũ Thị Thái, Tổng giám đốc Công ty CP bánh đậu xanh Quê Hương (Hải Dương), chia sẻ: “Gần 80% sản lượng bánh đậu xanh của chúng tôi là xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trước tình trạng làm giả, làm nhái tại Trung Quốc quá nhiều, ngoài các loại bánh đậu xanh truyền thống, chúng tôi phải nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm mới như bánh dành cho người bị tiểu đường, người béo phì, huyết áp cao, bánh đậu xanh hương dừa, hương sô cô la...”. 

Cần có cơ quan bảo vệ thương hiệu Việt

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, việc Trung Quốc làm giả hàng Việt Nam xảy ra hết sức thường xuyên và hầu hết các trường hợp đều gây thiệt hại lớn cho DN Việt Nam, thậm chí khi đi kiện cũng phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Vì vậy, bên cạnh việc DN tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nước sở tại, rất cần có các cơ quan hỗ trợ bảo vệ thương hiệu Việt Nam tại nước ngoài, thông qua các thương vụ hoặc cơ quan ngoại giao để có tiếng nói chính thức trong các vụ xâm phạm bản quyền thương hiệu, đừng để DN tự bơi như hiện nay.


Quang Thuần