Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Hội An là thành phố du lịch được yêu thích thứ hai châu Á

(Dân trí) - Theo khảo sát thường niên của Conde Nast Traveler (Mỹ), vốn được xem là khảo sát danh giá nhất của ngành công nghiệp du lịch toàn cầu: Hội An được đánh giá là phố du lịch được yêu thích thứ hai ở châu Á.
Đây là kết quả mới nhất do giả của tạp chí Conde Nast Traveler bình chọn. Đến phố cổ Hội An, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà đầy màu sắc và những dinh thự cổ kính.

Sau khi lọt vào danh sách 10 điểm đến hàng đầu thế giới lần đầu tiên vào năm ngoái, Hội An giờ đây đã trở thành thành phố du lịch được yêu thích thứ hai ở châu Á, chỉ xếp sau Kyoto (Nhật Bản).

Một số hình ảnh về Hội An:



Được công bố ở New York vào ngày 15 tháng 10, kết quả của cuộc khảo sát thường niên thứ 26 của Conde Nast Traveler xếp 5 khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Việt Nam trong danh sách những khu nghỉ dưỡng và khách sạn hàng đầu của tạp chí du lịch uy tín này.

Khách sạn 112 năm tuổi Sofitel Legend Metropole Hà Nội đứng thứ năm trong danh sách 25 khách sạn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Park Hyatt Sài Gòn, Sofitel Plaza Hà Nội và Sofitel Saigon Plaza cũng lọt vào danh sách này.

The Nam Hải được bình chọn là một trong mười khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á, tăng hạng từ vị trí thứ 14 năm ngoái. Không có khu nghỉ dưỡng nào khác của Việt Nam lọt vào danh sách này.

Khoảng 79.268 người đã tham gia bỏ 1,3 triệu phiếu bầu chọn cho 16.000 khách sạn và khu nghỉ dưỡng được đề cử cho giải thưởng năm nay. Năm ngoái, chỉ có 46.476 độc giả tham gia.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc giải phóng Trường Sa

TTO (http://tuoitre.vn/)
Trong tác phẩm Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành riêng một chương “Giải phóng Trường Sa” để hồi tưởng sự kiện này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và chính ủy Đặng Tính thăm đường 20

Dù không nằm trong kế hoạch ban đầu của cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 75, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kịp thời kiến nghị Bộ Chính trị cho phép tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, trước sự lăm le nhòm ngó của nước ngoài.

“Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược cao của anh Văn - người mà lịch sử đã trao cho sứ mệnh bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc mà cha ông để lại” - Thiếu tướng Mai Năng - nguyên tư lệnh Binh chủng đặc công, người chỉ huy cuộc tiến công giải phóng Trường Sa tháng 4-1975, nói.

“Nếu chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước”

Ông Mai Năng, khi ấy đeo quân hàm thượng tá, chỉ huy Đoàn 126 đặc công nước huyền thoại, đang ém quân ở Hải Phòng chờ lệnh tiến về Sài Gòn, kể lại: “Phải nói rằng khi ấy trong tâm tưởng mỗi người lính chúng tôi là được tham gia đoàn quân tiến về Sài Gòn, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng thống nhất đất nước.

Cuối tháng 3-1975, tôi bất ngờ nhận được mật lệnh: lập tức chuyển quân vào Đà Nẵng, chọn lực lượng tinh nhuệ, chuẩn bị giải phóng quần đảo Trường Sa. Tôi tuyển lựa khoảng 250 chiến sĩ tinh nhuệ, sẵn sàng cho trận tiến công lịch sử ngoài biển khơi bao la. Sau này tôi mới biết chính anh Văn kiến nghị Bộ Chính trị cho phép giải phóng Trường Sa và trực tiếp dặn dò, chỉ thị cặn kẽ các tình huống tác chiến trên biển…”.

Ngày 9-4, khi Cục Quân báo phát hiện quân đội Sài Gòn bắt đầu rút quân khỏi các đảo, Quân ủy trung ương đã phát đi bức điện tối khẩn vào Quân khu 5: "Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý đồ xâm chiếm".

Ngày 13-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho tướng Chu Huy Mân dặn dò rất cụ thể: “Thời cơ cụ thể đánh chiếm là: a) Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại; b) Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận; c) Khi tình hình chung của địch nguy khốn, thì đánh chiếm ngay".

Tướng Mai Năng, người từng tham gia cả hai cuộc kháng chiến, nói về vai trò của tướng Giáp: “Nếu chúng ta đến Trường Sa chậm một vài ngày, thậm chí chỉ chậm một vài giờ khi quân đội Sài Gòn đã rệu rã, choáng váng vì các tin tức thất trận trong đất liền, thì nước ngoài có thể thừa cơ mà chiếm lấy quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của chúng ta”. 

Ra khơi…

Tư tưởng mà những người tham gia cuộc tiến công giải phóng Trường Sa nhận được từ vị Đại tướng Tổng tư lệnh của họ là: Trên mặt trận biển Đông, hành động cũng phải "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

Đúng 4g30 sáng 14-4, sau hơn 1 giờ tổ chức đổ bộ, ta nổ súng tiến công, nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ trên đảo. Tiếp đó, ngày 25-4, quân ta tiến công đánh chiếm đảo Sơn Ca.

Ngày 27-4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 28-4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng”.

Lực lượng của ta tiến ra Trường Sa chỉ gồm ba chiếc tàu vận tải của Đoàn 125 - đoàn tàu không số huyền thoại và Đoàn 126 đặc công nước do thượng tá Mai Năng chỉ huy.

“Bằng mọi cách phải giải phóng bằng được các đảo, không được để bất cứ lực lượng nào chiếm” - ông Mai Năng nhớ như in mệnh lệnh của cấp trên trước lúc lên đường.

Rạng sáng 14-4-1975, khi mặt trời chưa mọc, quân của ông Mai Năng đã nổ phát súng đầu tiên ngoài Trường Sa, đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Binh lính của quân đội Sài Gòn nhanh chóng đầu hàng. Gặp người chỉ huy quân đội Sài Gòn tại đây, ông Mai Năng hỏi “Tại sao các cậu đã có lời thề giữ đảo đến chết mà lại đầu hàng?”, người chỉ huy phía bên kia đã đáp rằng: “Nếu là lực lượng khác đến chiếm thì chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, nhưng khi nghe các ông kêu hàng thì chúng tôi muốn bàn giao đảo cho quân giải phóng…”. 

“Vĩnh biệt anh Văn. Nơi anh chọn để an giấc ngàn thu là cửa biển quê nhà, tựa vào dãy Trường Sơn và hướng ra biển Đông bao la - ở đó vẫn còn những con sóng dữ thử thách sức bền của dân tộc chúng ta…” - người tướng già Mai Năng xúc động.

LÊ KIÊN (Nguon tuoitreonline)