Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Tiếng Việt lọt TOP các ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới

Một chuyên gia thiết kế vừa cho công bố một bức đồ họa mô tả tóm tắt những ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới cũng như vị trí địa lý mà chúng đang được sử dụng.



Được xây dựng dựa vào các thông tin thu thập được từ nguồn cơ sở dữ liệu Ethnologue, tác phẩm của giám đốc thiết kế đồ họa Alberto Lucas Lopéz cho trang South China Morning Post đã minh họa về các thứ tiếng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới kể từ năm 1951.

Ông Lopez cho biết: "Ngày nay, trên thế giới hiện có ít nhất 7.102 ngôn ngữ đã biết vẫn còn được sử dụng. 23 ngôn ngữ trong số này được ít nhất 50 triệu người sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Tính tổng cộng, chúng là tiếng mẹ đẻ của 4,1 tỉ cư dân trên Trái đất.

Chúng tôi đã biểu diễn mỗi ngôn ngữ bên trong các ranh giới màu đen và sau đó cung cấp số lượng người bản ngữ (tính bằng triệu) của mỗi quốc gia. Màu sắc củ những quốc gia này cho thấy cách các ngôn ngữ bắt nguồn ở các nhiều vùng khác nhau như thế nào".

Trong bức đồ họa, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, tiếng Trung hiện có số người sử dụng như tiếng mẹ đẻ đông nhất, với 1,197 tỉ người. Điều này một phần nhờ thực tế rằng, Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, với số cư dân ở đại lục đã lên đến 1,152 tỉ người.

Ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ hai là tiếng Tây Ban Nha, với 399 triệu người nói. Tiếp theo là tiếng Anh với 335 triệu người sử dụng như tiếng mẹ đẻ.

Theo kết quả nghiên cứu, Tiếng Việt cũng lọt vào danh sách 23 ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất thế giới, với gần 70 triệu người sử dụng như tiếng mẹ đẻ (còn gọi là ngôn ngữ dân tộc Kinh).

Mặc dù tiếng Trung có số người dùng như tiếng mẹ đẻ đứng đầu thế giới, nhưng xét về số quốc gia sử dụng, tiếng Anh lại vượt xa, với việc được người dân của 110 nước dùng như ngôn ngữ chính thức.

Tiếng Anh cũng là ngôn ngữ thu hút số người học nhiều nhất thế giới, với 1,5 tỉ học viên. Tiếp theo là tiếng Pháp (82 triệu học viên), tiếng Trung (30 triệu học viên), tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức (cùng đạt 14,5 triệu học viên).

Theo ông Lopez, lí do khiến tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha lọt vào danh sách những ngôn ngữ được dùng phổ biến nhất thế giới là, các quốc gia "quê hương" của chúng từng đi xâm chiếm và cai trị rất nhiều nước và vùng lãnh thổ trong quá khứ.

Tuấn Anh(Theo IFLScience)

Bài đăng khác:

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

'Trang điểm' cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Giữa đô thị ngột ngạt, còn ít cây xanh, hi vọng ngày nào đó việc làm đẹp dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành việc mà nhiều tổ chức, cá nhân muốn tham gia, để ai cũng thấy phải làm gì đó cho nơi sống của mình thêm sống động, rực rỡ.

Đèn hoa đăng soi bóng, tạo sức sống cho dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khi màn đêm buông xuống - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ngày này, đi qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người dân cảm thấy vui mắt. Dọc hàng rào bờ kênh là cờ Tổ quốc, cờ Đảng chào mừng ngày bầu cử. Ở đoạn khác là cờ Tổ quốc với cờ Phật giáo treo xen kẽ mừng ngày Phật đản.

Dưới lòng kênh, có đoạn là những bông sen khổng lồ, soi ánh đèn xuống dòng nước, tạo sức sống cho dòng kênh khi màn đêm buông xuống.

Trước đó, mùa Giáng sinh cuối năm, đèn chớp nháy cũng sáng dọc bờ kênh ở những khu xóm đạo.

Chính quyền, người dân sống bên kênh đã dần biết tận dụng không gian bờ kênh để làm sống động thêm phố thị.

Giữa đô thị ngột ngạt, còn ít cây xanh, hi vọng ngày nào đó việc làm đẹp dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành việc mà nhiều tổ chức, cá nhân muốn tham gia. Biết đâu, từ việc làm của một số đơn vị sẽ kích thích sự sáng tạo làm đẹp bờ kênh, lòng kênh để cùng với hệ thống cây xanh, dòng kênh sẽ tạo cảm hứng cho mọi người sống ở đô thị.

Còn nhớ, trước đây việc trang trí đèn nhân dịp lễ Giáng sinh chỉ có ở xóm đạo khu vực quận 8. Nay việc làm đẹp đường phố, xóm ngõ không còn là "độc quyền" của giáo dân quận 8 nữa. Cái hay, cái đẹp đã được nhân rộng ra. Mọi người tự thấy mình cần phải làm gì đó cho nơi sống của mình thêm sinh động, trang trọng, rực rỡ.

Vì vậy, nếu biết triển khai hợp lý, hài hòa, biết đâu một ngày nào đó dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng như nhiều con kênh khác mà TP.HCM đang nỗ lực hồi sinh cũng sẽ trở thành một "đặc sản" mà ai cũng muốn được thưởng lãm. Thậm chí món "đặc sản" này trở thành một sản phẩm du lịch, thay vì chỉ có đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như hiện nay.

Và để khai thác tốt nhất vẻ đẹp của bờ kênh, không thể thiếu bàn tay của nhà quy hoạch, chính quyền. Nếu không, sự sáng tạo quá mức cũng sẽ làm méo mó không gian của bờ kênh.

Đã từng có ý tưởng tạo hệ thống phun nước giữa lòng kênh, sân khấu nổi trên bờ kênh... để làm sinh động thêm dòng kênh. Ý tưởng nào là hợp lý, cần phải có bàn tay "nhạc trưởng". Còn như hiện nay, về đêm, hai bên đường bờ kênh chỉ thấy quán nhậu, dưới lòng kênh một màu tối đen.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không còn là kênh "chết", nhưng điều ai cũng nhận thấy là dưới lòng kênh còn nhiều rác quá. Rác ở đâu ra? Do một bộ phận người dân chưa biết giá trị của một con kênh xanh.

Những người dân từng sống dọc bờ kênh đã hi sinh rất nhiều để trả lại hai bờ kênh thoáng đãng, nhưng nay kênh vẫn còn nhiều rác (mỗi ngày vớt được vài tấn rác) có phần do bờ kênh chưa được làm đẹp hơn.

Thế kỷ trước chúng ta đã "thôn tính" rất nhiều bờ sông, kênh rạch ở các đô thị. Giờ đây, chúng ta đang sửa sai, chấp nhận tốn kém, nhiều người phải dứt áo đi khỏi nơi đã nhiều năm gắn bó.

Chúng ta đã làm sống lại dòng kênh nhưng cũng phải tạo thêm sức sống cho nó, qua đó cũng có thể tạo ra cái nếp của người dân sống ven kênh, đó là "giữ gìn, không để rác ra đường, bay, trôi, tràn xuống kênh...".

Theo Tuoitre.vn

Bài đăng khác: