Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Phản đối Trung Quốc đưa du khách tới Hoàng Sa



Việt Nam phản đối và yêu cầu chấm dứt ngay các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bao gồm việc đưa khách du lịch, mở nhà sách và dự định thi câu cá ở Hoàng Sa.
Hôm nay, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hành động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa (như quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa), người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa.

Những việc làm của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời phát ngôn viên.

"Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông", ông Nghị tuyên bố.

Cùng ngày, trước việc Trung Quốc đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu khẳng định quần đảo Hoàng Sa là một huyện đảo của Thành phố Đà Nẵng, một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

"Việc Trung Quốc đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây bất bình đối với chính quyền và nhân dân Đà Nẵng", ông Chiến cho biết.

"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành động phi pháp trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc tổ chức du lịch cũng như các hoạt động khác tại quần đảo Hoàng Sa".

Ánh Dương (vnexpress.net)

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

"Nhật Bản sẽ dùng vũ lực nếu Trung Quốc đổ bộ vào đảo tranh chấp"


Căng thẳng tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật leo thang khi Tokyo tuyên bố hành động cứng rắn hơn.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 23/4/2013 tuyên bố nước này sẽ sử dụng vũ lực để đối phó nếu Trung Quốc đổ bộ vào đảo Senkaku (hay Điếu Ngư).


“Chúng tôi sẽ có hành động dứt khoát chống lại nỗ lực vào vùng biển tranh chấp để đổ bộ lên đảo. Nếu Trung Quốc đổ bộ, việc chúng tôi phải dùng đến bạo lực là điều rất tự nhiên”, trả lời chất vấn trước quốc hội Nhật Bản, ông Abe cho biết.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi 8 tàu của chính phủ Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lúc 8h sáng nay. Đây là lần số tàu Trung Quốc vào vùng biển tranh chấp nhiều nhất kể từ khi Nhật Bản Quốc hữu hóa 1 phần quần đảo. Nhật Bản đã triệu hồi đại sứ Trung Quốc để phản đối vấn đề này.
Nguồn: gafin.vn

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Vietinbank lọt vào top 2000 công ty lớn nhất thế giới


Tạp chí Mỹ Forbes vừa công bố danh sách Forbes Global 2000 gồm những công ty lớn và quyền lực nhất thế giới. Trong đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) xếp thứ 1764. Xét riêng về lợi nhuận, Vietinbank đứng thứ 1682 và về tài sản là 874.

Báo cáo tài chính của Vietinbank cho thấy đến cuối năm 2012, tổng tài sản đạt 503.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với 2011. Lợi nhuận trước thuế 8.213 tỷ đồng, đạt 109% mục tiêu. Với con số này, Vietinbank đã dẫn đầu ngành ngân hàng năm 2012 về quy mô lợi nhuận.

Danh sách năm nay của Forbes có sự góp mặt của 63 quốc gia, ít hơn 3 so với năm ngoái. Mỹ - nền kinh tế số một thế giới đóng góp nhiều nhất với 543 công ty. Theo sau là Nhật Bản với 251 đại diện và Trung Quốc với 136. Đây là năm đầu tiên kể từ 2004, số công ty Trung Quốc lọt danh sách này không tăng.

Global 2000 lần này ghi nhận 11 quốc gia chỉ có một công ty, trong đó có New Zealand, Cộng hòa Séc và Việt Nam.

Trích từ: vnexpress.net

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Viettel lọt vào vòng cuối cùng đấu thầu viễn thông ở Myanmar


Theo công bố mới nhất, Viettel nằm trong nhóm 12 nhà thầu lọt vào vòng đấu thầu viễn thông cuối cùng của Myanma.
Trong tuyên bố hôm qua 11/4/2013, chính phủ Myanmar công bố tên 12 nhà thầu viễn thông lọt vào danh sách chính thức để có được 2 giấy phép đầu tư viễn thông ở Myanmar, giảm 10 nhà thầu so với danh sách trước đó.

Ngoài Viettel của Việt Nam, trong số 11 ứng viên khác có một số cái tên đáng chú ý. Đó là liên doanh China Mobile và Vodafone - hai tập đoàn của Trung Quốc và Anh - đồng thời là hai hãng viễn thông lớn thứ nhất và thứ hai trên thế giới; Liên doanh gồm công ty của tỷ phú George Soros, công ty viễn thông Jamaica Dicigel và Serge Pun - một nhà kinh doanh nổi tiếng tại Myanmar. Những công ty còn lại gồm Singapore Telecommunications, France Telecom-Orange (Pháp), MTN Consortium (Dubai), Bharti Airtel (Ấn Độ), KDDI - Sumitomo (Nhật Bản), Axiata (Malaysia), Telenor (Na Uy), Millicom, Qatar Telecom.

Trước đó, chính phủ Myanamar công bố kế hoạch cấp 2 giấy phép viễn thông, thời hạn ban đầu là 15 năm, với mục tiêu tự do hóa thị trường viễn thông kém phát triển. Giấy phép này cũng giúp nâng số lượng nhà khai thác điện thoại di động ở Myanmar lên 4.

Lĩnh vực viễn thông Myanamar hiện được xem là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất sau 1/4 thế kỷ bị cô lập.

Hiện mới chỉ có 5,4 triệu trên tổng số 60 triệu dân Myanmar sở hữu thuê bao điện thoại di động tính đến hết năm 2012. Tỷ lệ thâm nhập của điện thoại di động vào đời sống chỉ có 9%. Trong khi đó, chính phủ Myanmar có kế hoạch tăng tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại di động lên 75% và 80% vào năm 2015 và 2016. 
Nguồn gafin.vn

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Thế giới cần mô hình tăng trưởng mới


Hiện tại các mô hình tăng trưởng truyền thống đều đang gặp vấn đề, dẫn tới khủng hoảng tại hàng loạt quốc gia.

Ưu tiên kinh tế cấp bách nhất của tất cả các quốc gia như Brazil, Trung Quốc, Síp, Pháp, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ, Việt Nam… không phải là nợ và thâm hụt mà là tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới, có thể tạo ra nhiều công việc đảm bảo, được trả lương cao.

Hiện tại các mô hình tăng trưởng truyền thống đều đang gặp vấn đề từ mô hình phụ thuộc vào chi tiêu từ nợ của chính phủ để hỗ trợ hoạt động kinh tế như Hy Lạp và Bồ Đào Nha; đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính không bền vững giữa các thể chế tài chính để tài trợ cho các hoạt động của khu vực tư nhân như Síp, Iceland, Ireland, Anh và Mỹ hay việc Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc đã khai thác tiến trình toàn cầu hóa dường như không giới hạn và thương mại quốc tế để giành thị phần ngày càng tăng.

Hành động chính sách táo bạo của các nước nhằm đối phó với sự lộn xộn đã ngăn được suy thoái toàn cầu, nhưng gây thâm hụt ngân sách lớn. Hậu quả, các chính phủ nợ nần nhiều là đối tượng tiếp theo gặp khó khăn. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu ngày càng ít năng động và tăng cường phụ thuộc lẫn nhau khiến cả những nước có bản cân đối kế toán lành mạnh cũng bị suy giảm tăng trưởng.

Các dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nêu bật sự đồng thời mất hiệu quả của các mô hình tăng trưởng trên.

Trong 5 năm gần đây, mức tăng trưởng trung bình toàn cầu chỉ đạt 2,9%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 1971, với mức tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển gần như đình trệ, trong khi mức tăng trưởng của các thị trường đang nổi chỉ đạt 5,6%, thấp hơn mức trung bình 5 năm trước đó là 7,6%.

Do những xu hướng trên, việc tìm kiếm những mô hình tăng trưởng sẽ mất nhiều thời gian và phức tạp hơn, nhất là khi kinh tế thế giới đang chuyển khỏi tiến trình toàn cầu hóa và mức đòn bẩy cao. Các quốc gia như Mỹ sẽ được lợi từ hệ thống doanh nghiệp năng động từ dưới lên và sự phục hồi kinh tế chu kỳ truyền thống. Nhưng nếu không có một "máy tăng áp" kinh tế ngắn hạn, sự phục hồi tăng trưởng và việc làm vẫn từ từ, dễ bị tổn thương trước những rủi ro chính trị, chính sách và làm lợi quá mức cho những người siêu giàu.

Chính phủ sẽ có vai trò khác tại những quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, nơi các quan chức sẽ hướng dẫn sự thay đổi từ sự phụ thuộc vào các nguồn tăng trưởng bên ngoài sang nhu cầu cân bằng hơn.

Theo Chinhphu.vn

Tỷ phú gốc Việt và 15 lần xin việc thất bại


Tốt nghiệp trường đại học không danh tiếng trong ngành Tài chính, 15 lá đơn xin việc gửi đi đều bị từ chối nhưng tỷ phú Chính Chu không từ bỏ, dần dần tạo dựng được tên tuổi tại Phố Wall (Mỹ).
Chính Chu và vợ trong một lần về Việt Nam. Ảnh: Ha Phuong Foundation

Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Vừa đi học, ông Chu vừa đi bán sách lẻ và giao đến tận nhà. Chi tiết về quãng thời gian trong nhà trường của Chính Chu không được tiết lộ nhiều. Trong hồ sơ Tập đoàn Blackstone nơi ông đang làm việc chỉ ghi tốt nghiệp loại xuất sắc. Chu có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ).

Chính Chu chia sẻ, khi còn đi học ông không bao giờ nghĩ có thể tham gia lĩnh vực tài chính ở Phố Wall. Với ông, chỉ những cá nhân xuất sắc, được đào tạo căn bản về tài chính trong các trường đại học tên tuổi như Harvard, Cornell, Wharton, Yale... "Còn tôi thì tốt nghiệp ở Buffalo, một trường công", ông nói.

Cũng vì xuất thân từ ngôi trường không mấy tên tuổi trong ngành tài chính, ông gặp không ít khó khăn khi xin việc. "Tôi nộp 15 bộ hồ sơ vào các công ty ở Phố Wall và nhận được 15 thư từ chối". Nhưng điều này không khiến ông bỏ cuộc mà làm Chu thêm hứng thú với lĩnh vực này vì những khó khăn khi tham gia. Ông kết luận: "Trong cuộc sống, bạn cần có tính kiên trì để theo đuổi mục tiêu của mình".

James Barlett, Phó chủ tịch TeleTech nói: "Tôi may mắn được làm việc cùng Chính. Ông có khả năng phân tích sâu sắc và nhạy bén về tài chính, nơi mà để thành công phải có tài nổi trội".

Trước khi gia nhập Blackstone vào năm 1990, Chính Chu từng làm việc tại bộ phận mua bán và sáp nhập của công ty Salomon Brothers từ năm 1988. Hiện ông là đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc cao cấp quản lý tài sản của Blackstone. Ông được đánh giá là một trong những thương nhân châu Á thành công nhất. Dưới bàn tay đạo diễn của Chính Chu, Blackstone đã hoàn thành nhiều vụ đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD như hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD), DJ Orthopedics (1,6 tỷ USD)...

Năm 2004, Blackstone thực hiện vụ mua lại lớn nhất lịch sử châu Âu khi nắm quyền kiểm soát tập đoàn hóa chất Celanese của Đức với giá 3,8 tỷ USD chỉ sau vài cú điện thoại. Theo đánh giá, bản hợp đồng có hời được lập nhờ những nỗ lực thương thảo và hiểu biết của Chu. Ông đang là "tổng chỉ huy" của chiến dịch mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ lớn nhất Chính Chu từng thực hiện.
nguồn vnexpress.net
xem thêm>>>

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Cán cân thương mại Việt Nam thặng dư kỷ lục 12,5 tỷ USD trong 2013

ADB: Cán cân thương mại Việt Nam thặng dư kỷ lục 12,5 tỷ USD trong 2013

ADB cũng dự báo, GDP Việt Nam 2013 tăng trưởng 5,2% và lạm phát sẽ giảm nhẹ xuống mức trung bình 7,5% trước khi tăng lên 8,2% trong 2014.

Báo cáo Triển vọng châu Á 2013 được công bố ngày hôm nay (9/4) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm 2013 và 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và sự phục hồi của các nền kinh tế công nghiệp lớn tạo động lực trong năm 2014.

Mức dự báo này được đưa ra với giả định rằng các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố triển vọng phát triển châu Á 2013, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc Gia ADB tại Việt Nam nhận định, khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại 7-8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn.

Theo ông Tomoyuki, dù tăng trưởng kinh tế 2012 của Việt Nam thấp nhất trong 13 năm qua buộc các cơ quan chức năng áp dụng nới lỏng chính sách tiền tệ, song tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế bởi sự không chắc chắn về tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng. Sự phục hồi kinh tế phụ thuộc vào việc đẩy mạnh các chương trình cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Nguồn gafin.vn

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Ấn Độ: xử thua Novartis (Việt Nam có nên bắt chước?)

TTO - Tòa án tối cao Ấn Độ hôm nay 1-4 đã bác đơn đề nghị cấp bản quyền thuốc Glivec của Công ty dược Novartis AG (Thụy Sĩ). Đây là một chiến thắng quan trọng đối với ngành dược Ấn Độ. 

AFP cho biết Tòa án tối cao ngày 1-4 phán quyết Glivec “không đáp ứng các cuộc thử nghiệm về tính mới hoặc tính sáng tạo” theo yêu cầu của Ấn Độ. Không chỉ bị xử thua, Novartis còn phải trả một khoản chi phí kiện tụng.

Novartis phản đối phán quyết của tòa án với lý do “làm chùn bước những nỗ lực khám phá y học để thúc đẩy khoa học dược phẩm vì người bệnh”.

Công ty Novartis đã đấu tranh bảo vệ bản quyền sáng chế thuốc Glivec tại Ấn Độ từ năm 2006 với lập luận Glivec đã được cải thiện đáng kể do khả năng được hấp thụ cao. Trong khi Glivec được gần 40 quốc gia cấp bằng sáng chế như Mỹ, Nga và Trung Quốc thì Ấn Độ kiên quyết nói không vì cho rằng Glivec không phải là loại thuốc mới mà chỉ là phiên bản cải tiến chút ít của một loại thuốc phổ biến cũ. (Lập luận này hay nè, mà không thấy Việt Nam áp dụng, có vậy Dược Việt Nam mới có chỗ đứng chứ)
Phán quyết của tòa án Ấn Độ ngày 1-4 đối với Novartis có ảnh hưởng lớn với những công ty dược nước ngoài hoạt động tại Ấn Độ và các công ty sản xuất thuốc nội địa. (Việt Nam mà cũng làm vậy thì hay)

Nhiều loại thuốc do các công ty dược phẩm phương Tây đem vào thị trường Ấn Độ bán với giá rất cao nên người dân không đủ tiền mua (40% dân chúng Ấn Độ thu nhập chưa tới 1,25 USD/ngày). Trong khi đó, các công ty dược Ấn Độ sao chép công thức của những loại thuốc này và bào chế sản phẩm có tính năng tương tự nhưng giá rẻ hơn nhiều. (Việt Nam cũng thế, nhưng các cơ quan nhà nước VIỆT NAM không làm như thế, thật là thiếu tinh thần dân tộc)

Theo Reuters, chi phí điều trị bằng Glivec tốn đến 2.600 USD/tháng, trong khi nếu sử dụng loại thuốc mà các công ty dược Ấn Độ sao chép chỉ có 175 USD/tháng.

Nguồn tuoitre.com.vn