Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Côn Đảo vào top 10 điểm đến đáng sợ ở châu Á

Trang CNN đã liệt kê 10 địa điểm được nhiều du khách cảm thấy lạnh gáy nhất khi tới tham quan. Nhà tù Côn Đảo, Việt Nam cũng nằm trong danh sách này.


Chuồng Cọp, Côn Đảo, Việt Nam
Chuồng cọp được thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dùng để tra tấn những người Việt yêu nước trong thời kỳ chiến tranh. Nơi đây được cho là một trong những địa ngục trần gian, khiến không ít người cảm thấy lạnh gáy khi nhắc đến.

Trường Tat Tak, Hong Kong, Trung Quốc
Ngôi trường là điểm đến tham quan không thể bỏ lỡ của những du khách thích nghe truyện ma. Ngôi trường bị bỏ hoang này luôn là chủ đề được nói đến với các câu chuyện đáng sợ, trong số có nhiều trường hợp đến đây tự tử và hồn ma của cô gái trong bộ trang phục màu đỏ. Tat Tak đáng sợ đến mức một số tài xế taxi yếu bóng vía cũng từ chối chở khách tới con đường dẫn đến ngôi trường này.
Lawang Sewu, Indonesia
Cuối thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã có một trận chiến với quân đội Indonesia ở phía trước tòa nhà này. Nhiều người kể lại, đến nay họ vẫn nghe thấy tiếng người rên rỉ vì bị tra tấn trong tầng hầm. Mặc dù đây chỉ là những câu chuyện nhằm "dọa ma" người yếu tim, nhưng Lawang Sewu vẫn là một trong những điểm đến dành cho du khách dũng cảm.
Động Chibichiri, Okinawa, Nhật Bản
Cuối thế chiến thứ 2, những người lính Nhật thà tự kết liễu mạng sống còn hơn rơi vào tay lính Mỹ. Do đó, nơi này chứa khá nhiều hài cốt của binh sĩ cũng như dân thường.
Bệnh viện Clark, Philippines
Bệnh viện được xây dựng bởi quân đội Mỹ. Vào năm 1991, núi lửa Pinatubo phun trào khiến không ít binh lính thiệt mạng. Ngày nay người dân bản địa tin rằng nơi đây vẫn còn nhiều hồn ma của lính Mỹ vất vưởng.
Nhà tù Bagua, Đài Loan, Trung Quốc
Nằm ở ngoài khơi bờ biển phía nam của Đài Loan là Đảo Xanh (Green Island), một điểm thu hút du khách. Trên đảo có một nhà tù cũ, nơi đây được cho là bị ám ảnh bởi các oan hồn những người bị giết trong thời kỳ khủng bố trắng 1949-1987.
Yeongdeok, Hàn Quốc
Đây được cho là ngôi nhà ma ám nổi tiếng nhất tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc. Tại đây, người ta cho rằng có hồn ma của một cô gái đã tự sát vì bị bạn trai bỏ rơi. Ngoài ra ngọn đồi mà ngôi nhà tọa lạc còn là nơi chôn cất vô số binh lính Hàn trong thế chiến thứ hai.
Đồi Ma, Penang, Malaysia
Phía trên đỉnh đồi là bảo tàng chiến tranh. Nhiều người thợ xây dựng trên đảo cho biết họ từng nhìn thấy một bóng ma được cho là của sĩ quan người Nhật đi lại trong bảo tàng.
Đền Phra Si Sanphet, Ayutthaya, Thái Lan
Khoảng 50 năm trước, một nhóm cướp tới trộm vàng ở ngôi đền cổ này và chúng đã bị nguyền rủa. Ngày nay, tới thăm nơi này bạn sẽ được người dân địa phương truyền tai về cái chết bí ẩn của những tên cướp và họ tin rằng, điều đó do lời nguyền đáng sợ gây nên.
Tháp Silence, Ấn Độ
Tòa tháp của sự im lặng này là nơi dùng để xác chết. Các tử thi sẽ được xếp ở phía trong và làm mồi cho chim ăn. Đây là tín ngưỡng của những người theo đạo Bái Hỏa giáo.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Cục Hàng hải cảnh báo cướp tàu trên biển Đông

Trước nhiều vụ cướp biển gia tăng, Cục Hàng hải vừa có công văn khẩn gửi các cảng vụ hàng hải địa phương cảnh báo và yêu cầu có biện pháp đối phó. 
Diễn tập phòng chống cướp biển. Ảnh: Báo Giao thông
Theo ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cơ quan này vừa nhận được báo cáo đặc biệt từ Trung tâm chia sẻ thông tin Recaap (Hội đồng điều hành chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á) về tình hình cướp biển xảy ra với các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines thời gian gần đây.
Do đó, Cục Hàng hải yêu cầu các cảng vụ hàng hải tuyên truyền, phổ biến với chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu về tình hình cướp biển và yêu cầu triển khai kế hoạch an ninh tàu biển. 
Cụ thể, các tàu phải tăng cường trực ca khi neo đậu, giữ chiếu sáng xung quanh tàu và bật đèn pha cao áp, tăng cường xoay tua trực ca và bấm còi báo động khi phát hiện có người lạ tới gần hoặc đang ở trên tàu. Các tàu phải duy trì trực ca liên tục để nhận các khuyến cáo; chuyển hướng hoặc tránh vào khu vực nguy hiểm, duy trì thông tin liên lạc với các đơn vị chức năng tại khu vực...
Theo Cục Hàng hải, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 đã xảy ra 3 vụ cướp biển có vũ trang tấn công và bắt cóc thuyền viên tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines.
Ngày 26/3, tàu Brahma 12 treo cờ Indonesia kéo sà lan Anand 12, chở 7.000 tấn than rời cảng Kalimantan (Indonesia) đến nhà máy thủy điện Philippines đã bị 17 tên cướp trang bị súng đột nhập lên tàu từ một tàu cao tốc có 3 máy ngoài và một tàu vỏ gỗ động cơ đẩy thủy lực. Toán cướp bắt toàn bộ 10 thuyền viên người Indonesia.
Ngày 1/4, tàu Massive 6 quốc tịch Malaysia với 9 thuyền viên đang trên đường từ Manila (Philippines) đi Tawau để tiếp nhiên liệu. Tại khu vực cách Semporna, Sabah, đông Malaysia khoảng 27 hải lý, 8 tên cướp trang bị súng đã tiếp cận và lên tàu, bắt 4 thuyền viên người Malaysia. 
Ngày 15/4, tàu Henry quốc tịch Indonesia kéo theo sà lan Christi khi đang trên đường đến Cebu, Philippines đi Tarakan (Indonesia) đã bị một số tên cướp có vũ trang sử dụng xuồng cao tốc tiếp cận. Tàu bị tấn công bằng súng khiến một thuyền viên bị thương và 4 người khác bị bắt. 
Đoàn Loan (vnexpress.net)

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút các máy bay chiến đấu khỏi Hoàng Sa

Việt Nam kêu gọi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm để đảm bảo hòa bình ở khu vực và không tái diễn việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.


viet-nam-yeu-cau-trung-quoc-rut-cac-may-bay-chien-dau-khoi-hoang-sa
Trung Quốc được cho là điều đến 16 chiến đấu cơ J-11 ra Phú Lâm. Ảnh: Star and Stripes
Trong họp báo chiều nay, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định việc Trung Quốc điều các chiến đấu cơ J-11 đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở khu vực. 
"Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự", ông Bình nói.
Các quan chức Mỹ mới đây cho biết Trung Quốc điều đến 16 chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, số lượng này là "chưa từng có tiền lệ". Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh cũng từng điều loại máy bay chiến đấu tương tự tới đảo Phú Lâm, lần gần nhất là tháng hai, nhưng với số lượng ít.
Ông Bình nhấn mạnh với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là Công ước năm 1982 của LHQ (UNCLOS) và Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).
Các bức ảnh vệ tinh do truyền thông Mỹ công bố cũng cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống radar kiểm soát hỏa lực ở Phú Lâm, phục vụ cho việc khai hỏa tên lửa phòng không HQ-9 mà nước này đặt tại đây hồi tháng hai. Nhiều tên lửa đã được đưa vào vị trí sẵn sàng khai hỏa ở phía đông của đảo. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 và thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp trên đảo Phú Lâm từ hồi 2012.
Trước việc Trung Quốc vẫn duy trì việc tôn tạo các đảo nhân tạo phi pháp, nhiều nước trên thế giới bày tỏ lo ngại về các căn cứ quân sự do Bắc Kinh xây dựng. Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 mới đây tại Nhật Bản đã ra tuyên bố phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng và khiêu khích ở Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đề cập việc quan chức quốc phòng Philippines tiết lộ nước này và Việt Nam sẽ bàn khả năng tập trận và tuần tra hải quân chung, ông Bình chưa xác nhận tin này nhưng khẳng định Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đang có chuyến thăm tới Manila.
"Với chính sách đối ngoại cũng như chính sách quốc phòng hòa bình và độc lập tự chủ của mình, bất cứ hợp tác nào của Việt Nam với các bên đối tác cũng đều nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực", ông Bình nói.
Việt Anh (vnexpress.net)