Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Trương Đình Anh đã "chào" Việt Nam khi ước mơ làm Thủ tướng không thành

Trong ngày thứ bảy (23/07) vừa qua, thông tin về việc cả gia đình ông Trương Đình Anh đã sang Mỹ sống và làm việc dài hạn một lần nữa hâm nóng cái tên nổi tiếng này. Từ khi từ nhiệm vị trí CEO của CTCP FPT, ông Trương Đình Anh chỉ xuất hiện lác đác trên truyền thông với những dự án mới, nơi chốn mới.
Trương Đình Anh ước mơ trở thành Thủ tướng
Từng tuyên bố “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”, khi đã qua tuổi 45, Trương Đình Anh chính thức tạm biệt Việt Nam để sống và làm việc tại nước ngoài.

Hãy cùng nhìn lại những công ty đã ghi dấu ấn của vị doanh nhân đình đám từng được gọi là “quái nhân FPT” này.

CTCP FPT telecom
Gia nhập FPT từ năm 1993 với vị trí là Chuyên gia Máy tính, sau 4 năm, Trương Đình Anh trở thành Giám đốc Trung tâm Internet FPT. Đến năm 2003 – năm Việt Nam bùng nổ dịch vụ Internet với sự góp mặt của 3 nhà mạng VNPT, Viettel và FPT Telecom, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông FPT (FPT Telecom). Đây là nơi ghi dấu ấn sâu sắc của Trương Đình Anh.
Mặc dù có nhiều lĩnh vực mới nổi lên nhưng FPT Telecom vẫn luôn là đơn vị thành viên đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn FPT.
FPT Telecom có vốn điều lệ 1.246 tỷ đồng, do FPT nắm 45,64%. Năm 2015, FPT Telecom đạt doanh thu hợp nhất 5.568 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế 882 tỷ đồng. Trong các mảng kinh doanh, mảng Internet băng thông rộng tăng trưởng 31%, mang lại doanh thu trên 3.600 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực nội dung số thu hẹp hoạt động dẫn đến doanh thu giảm 52%.
Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 1.052 tỷ đồng – tăng trưởng 19%.
Theo FPT, kế hoạch quang hóa đã được hoàn tất, dịch vụ truyền hình trả tiền tuy mới được triển khai nhưng đã có tốc độ phát triển mạnh mẽ.
CTCP FPT
Trương Đình Anh giữ chức Phó Tổng giám đốc trước khi được bổ nhiệm làm CEO của tập đoàn FPT vào tháng 2/2011. Con đường đến với vị trí CEO cũng khá gian nan, xuất phát từ chính Trương Đình Anh do ông đã từ chối việc bổ nhiệm với lý do mình sẽ không đủ quyền hành động như một CEO thực sự như tại FPT Telecom.
Mất 3 tháng thuyết phục, FPT mới có được sự đồng thuận của cả hội đồng quản trị lẫn ông Trương Đình Anh cho chức vụ mới. Ngày 25/3/2011, CEO Trương Đình Anh chính thức tiếp quản chiếc ghế của người tiền nhiệm Nguyễn Thành Nam. Và rồi như trên đã nhắc đến, năm 2012, ông đã từ nhiệm vị trí này.
Từ đó đến nay, FPT vẫn ghi nhận sự tăng trưởng bình quân 16%/năm về doanh thu và 8% về lợi nhuận. Tuy 2/3 doanh thu của FPT hiện dựa vào mảng phân phối - bán lẻ hàng công nghệ nhưng Tập đoàn này từng tuyên bố sẽ bán lại mảng bán lẻ FPT Shop, rồi mang tiền quay trở lại đầu tư vào ngành viễn thông còn nhiều tiềm năng và có biên lợi nhuận cao hơn. Thương vụ đang được xúc tiền nhưng chưa có thêm thông tin mới nào được công bố.
6 tháng đầu năm 2016, FPT đạt 17.818 tỷ đồng và 1.258 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Dù vậy, giá cổ phiếu FPT gần như dậm chân tại chỗ cả năm nay dù thị trường nổi sóng lớn.
CTCP Dịch vụ trực tuyến (FPT online)
Năm 2015, mô hình kinh doanh của FPT online thu gọn về mức đơn giản nhất, chỉ kinh doanh nội dung truyền thông và quảng cáo. Với việc suy thoái trong ngành truyền thông báo chí Việt Nam, trong năm này, FPT Online đạt 449 tỷ đồng doanh thu – giảm một nửa so với năm 2014 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng – tăng 88% nhờ các chi phí như giá vốn, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh.
Mặc dù không lãi cao như giai đoạn trước nhưng hiện FPT Online vẫn là một trong số những công ty kinh doanh nội dung số có lợi nhuận lớn nhất.
Ví điện tử Momo
Sau khi rời khỏi FPT, ông Trương Đình Anh đầu tư vào ứng dụng chuyên nhận tiền trực tuyến Ví điện tử Momo do Công ty cổ phần M_Service sở hữu.
Tháng 3/2016, Momo nhận được khoản đầu tư 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.
Galaxy
Sau khi rời khỏi FPT, ông Trương Đình Anh đã xuất hiện tại CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) với vai trò là một thành viên hội đồng quản trị. Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, phát hành phim cũng như truyền thông xuất bản.
Không lâu sau sự xuất hiện của ông Trương Đình Anh, giống như Momo, Galaxy Studio cũng có thương vụ bán cổ phần "đình đám". Năm 2013, Tập đoàn PPB Group đến từ Malaysia đã định giá công ty này ở mức xấp xỉ 80 triệu USD khi chi ra 20 triệu USD để mua 25,8% cổ phần.
Galaxy đang vận hành 6 rạp Galaxy Cinema và trực tiếp sản xuất khá nhiều tựa phim đình đám.
Hải Linh
Theo Trí thức trẻ

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

VAFI tiếp tục công kích nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng


Lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa tiếp tục nêu ý kiến về những "sai lầm" trong công tác quản lý vốn và tài sản doanh nghiệp của nguyên Bộ trưởng Công Thương.

Những ý kiến nêu trên được Phó chủ tịch VAFI - Nguyễn Hoàng Hải đưa ra trong bài viết nêu quan điểm, đăng tải trên website chính thức của Hiệp hội. Đây là lần thứ 7 trong hơn một tháng, lãnh đạo tổ chức này có các văn bản, bài viết với nội dung phân tích, chất vấn về hoạt động của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp thuộc Bộ trong thời gian điều hành của ông Vũ Huy Hoàng.
Nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: H.H
Trong văn bản lần này, lãnh đạo VAFI nêu ra 5 vấn đề được nhìn nhận là "sai lầm" của cựu Bộ trưởng, liên quan đến bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại doanh nghiệp, chậm bàn giao các doanh nghiệp thuộc bộ về SCIC, chậm cổ phần hóa, niêm yết cổ phiếu... cũng như tái khẳng định việc sai luật trong bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai ông Hoàng) về các doanh nghiệp... Nhiều vấn đề được VAFI so sánh với giai đoạn điều hành của lãnh đạo tiền nhiệm hoặc các bộ khác.
Cụ thể, lãnh đạo VAFI cho rằng "sai lầm" đầu tiên của ông Vũ Huy Hoàng là việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ mà không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị.
Điển hình là chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Theo đó, thành tích quản trị của các lãnh đạo đương nhiệm được VAFI đánh giá là "rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải được đào tạo qua thử thách và có nhiều thành tích cũng như kinh nghiệm".
Tại Sabeco, VAFI cho rằng Chủ tịch đương nhiệm là ông Võ Thanh Hà không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp nhưng vẫn được kiêm nhiệm luôn cả chức danh Tổng giám đốc. "Hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn Nhà nước. Tại sao Bộ Công Thương không bổ nhiệm Tổng giám đốc. Chẳng lẽ Sabeco không còn ai có thể đảm đương vị trí này?", VAFI chất vấn.
Tại nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí, điện, than... VAFI nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy sự sốt sắng với định hướng cổ phần hóa. Bộ máy quản lý cồng kềnh, chưa hoạt động theo mô hình tập đoàn mà thực chất chỉ là những đơn vị quản lý hành chính ở cấp trung gian.
Ngoài ra, người đại diện VAFI còn cho rằng các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương như thép, hóa chất, than khoáng sản... ở vị thế tài chính rất yếu so với trước đó 10 năm. "Mang tiếng là công ty mẹ nhưng mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ Nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn. Điều này đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên", bài viết nêu.
Thứ hai, VAFI cho rằng Bộ Công Thương đã chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho Tổng công ty Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC), điển hình là Sabeco, Habeco... VAFI nhận định SCIC vẫn còn nhiều yếu kém song năng lực quản lý vốn còn hơn nhiều các bộ ngành, địa phương.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công Thương được nhận định là trốn tránh niêm yết, người đại diện không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng.
VAFI chỉ ra rằng trong giai đoạn trước, thị trường chứng khoán liên tục đón nhận nhiều hàng hóa chất lượng thông qua việc bán bớt cổ phần Nhà nước và IPO như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Đạm Phú Mỹ... nhưng những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex... lại chưa chịu lên sàn.
"Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ, chắc phải nhiều lần nghe Thủ tướng nói về việc thúc đẩy niêm yết nhưng tại sao không chấp hành lệnh của cấp trên. Bộ trưởng mà không quan tâm đến việc thúc đẩy sự minh bạch thì cấp dưới cũng không thực hiện, hoặc như Sabeco có nói rằng, họ không có thẩm quyền quyết định", VAFI chất vấn.
Cùng với niêm yết, lãnh đạo VAFI cho rằng phong trào cổ phần hóa cũng đi xuống và trì trệ. Bộ quản lý nhiều doanh nghiệp Nhà nước song lợi nhuận tại các đơn vị này lại thua xa so với các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải...
Cuối cùng, bài viết cũng nhắc lại và phân tích việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên Hội đồng quản trị Sabeco là "mang đậm tính vụ lợi và bị nghiêm cấm theo Luật Phòng chống tham nhũng". Theo VAFI, trong thời gian ngắn công tác ở Cục Xúc tiến thương mại, với vai trò là Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, ông Vũ Quang Hải đã được làm kiểm soát viên của Vinataba. Việc bổ nhiệm này là sai luật.
Cụ thể, theo Luật Công chức Nhà nước, để làm thành viên Ban kiểm soát, người được bổ nhiệm phải là công chức. Tuy nhiên, theo thông tin ông Vũ Quang Hải trả lời báo chí được VAFI dẫn lại, vị này về Cục Xúc tiến thương mại không theo cơ chế tuyển dụng ngạch công chức.
"Thành viên Ban kiểm soát không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh,chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác. Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng, là người đại diện quản lý vốn cao nhất có quyền bổ nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị thì rõ ràng việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải là không đúng luật", VAFI phân tích và khẳng định Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định "nghiêm cấm hành vi lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ vì vụ lợi".
Ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn gửi các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm sau khi có Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh. Tổng bí thư giao Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành các công việc thuộc thẩm quyền, trong đó có kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng một cách "khách quan, không chịu bất kỳ một sức ép nào".
Trước đó, từ giữa tháng 6/2016, lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam mà trực tiếp là Phó chủ tịch Nguyễn Hoàng Hải đã có nhiều văn bản, bài viết gửi các cơ quan chức năng, các cá nhân liên quan cũng như đăng tải trên website liên quan đến việc quản lý vốn, cán bộ Nhà nước tại Sabeco cũng như hoạt động điều hành của Bộ Công Thương và cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Đến ngày 28/6, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn trả lời VAFI về một số nội dung liên quan.
Bạch Dương (vnexpress.net) 

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Trung Quốc điều USV Jinghai đến Biển Đông: Nguy hiểm!

Theo Sputnik, Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai (phi pháp) các tàu chiến không người lái (USV) đến vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Báo Nga dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, động thái này này, Bắc Kinh cho rằng các tàu USV sẽ giúp nước này tăng cường khả năng giám sát an ninh trên biển và khảo sát đại dương.
Một mẫu tàu USV được thiết kế để hoạt động độc lập có tên Jinghai của Trung Quốc sẽ nhận nhiệm vụ trên, nó được thiết kế và phát triển bởi Viện nghiên cứu phát triển công nghệ USV Trung Quốc.
Trước khi xuất hiện kế hoạch triển khai này, Jinghai cũng từng được thử nghiệm tại Biển Đông vào năm 2013 nhưng khi đó chúng được Trung Quốc giới thiệu là USV phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.
Hiện tại Jinghai đã được phát triển tới nguyên mẫu thứ 7, do đó kế hoạch đưa các tàu Jinghai đầu tiên vào hoạt động trên Biển Đông nhiều khả năng sẽ được Trung Quốc triển khai trong thời gian sắp tới.
Theo một số nguồn tin, Jinghai chắc chắn sẽ được Trung Quốc đưa vào hoạt động gần các đảo mà nước này đang chiếm giữ trái phép trên Biển Đông vì mẫu tàu không người lái USV này không thể hoạt động xa bờ.
Dù Trung Quốc không tiết lộ sẽ sử dụng USV Jinghai vào mục đích gì nhưng theo Tạp chí The Diplomat, với dàn vũ khí đặc chủng triển khai trên chiếc USV này, ý đồ của Trung Quốc không gì khác ngoài việc đối phó với lực lượng đặc công nước của những quốc gia Bắc Kinh gọi là đối thủ.
Qua hình ảnh mô hình về chiếc USV Jinghai được công bố, tạp chí The Diplomat cho rằng chiếc USV này được trang bị hệ thống rocket chống người nhái CS/ARI 55mm.
Theo nguồn tin này, khi tàu chiến dừng, cập bến, neo đậu thì USV này sẽ áp dụng phương thức bắn độc lập, bắn nhóm hoặc bắn đồng loạt, tiêu diệt có hiệu quả các mục tiêu di động nhỏ khu vực dưới nước lân cận như người nhái.
Trung Quốc từng khoe khoang rằng: Hệ thống này gồm có rocket chống người nhái, thiết bị khởi động và điều khiển, đạn sát thương người nhái. Hệ thống áp dụng thiết kế mô đun hóa, chiếm diện tích nhỏ. Rocket này áp dụng hệ thống dò tìm định vị thủy âm, độ chính xác rất cao.
The Diplomat dẫn nguồn từ Hoàn Cầu cho biết thêm, do tiếng ồn sinh ra từ hoạt động bơi của người nhái trong nước rất nhỏ, giống như quân nhân được huấn luyện đặc biệt, tiếng ồn khi bơi sẽ nhỏ hơn, nhưng loại vũ khí mới này (rocket chống người nhái) cũng có thể dò tìm được và tiến hành tấn công đối với người nhái.
Các bộ phận của rocket chống người nhái áp dụng công nghệ lắp ráp nhanh, vận chuyển rất thuận lợi. Hệ thống này áp dụng công nghệ kiểm soát/điều khiển số hóa, tốc độ phản ứng nhanh, độ chính xác cao, có khả năng tự phán đoán sự cố nhất định, mức độ thông minh cao, khả năng bảo trì tốt, có thể áp dụng nhiều loại mô hình như tác chiến hệ thống và tác chiến độc lập.
Theo quảng bá của Trung Quốc, tầm bắn hiệu quả của nó là 2 km, đồng thời hiện nay còn đang nghiên cứu phát triển rocket tầm bắn xa hơn.
Kế hoạch Trung Quốc điều USV đến Biển Đông được đưa ra ngay sau khi Mỹ quyết tăng cường triển khai các tàu tuần tra ở khu vực vùng biển tranh chấp trên Biển Đông cùng đó là kế hoạch tập trận dày đặc tại vùng biển này.
Ngoài ra, Washington còn để ngỏ tới khả năng triển khai máy bay do thám không người lái đến gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Lầu Năm Góc đang hoàn thiện kế hoạch triển khai UAV và cả phương tiện lặn không người lái UUV đến Biển Đông nhưng lại không công bố các phương tiện này thuộc chủng loại nào.
theo Đất Việt