Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

"TP.HCM phải trở thành đặc khu kinh tế như Thượng Hải"

TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã phát biểu như vậy tại hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.

Tiềm năng của Sài Gòn - TP.HCM được chụp từ flycam - Ảnh: TTO
Ông Thăng kể lại câu chuyện ngụ ngôn: có một người nuôi ngựa, ông ta luôn muốn con ngựa của mình có thành tích cao hơn. Nhưng, phía người trực tiếp chăm sóc con ngựa của ông lại luôn bảo: "Tôi đã làm hết sức rồi, không thể chạy nhanh hơn được."
Thế là một ngày kia, khi vừa thả chú ngựa ra bãi tập như mọi lần, người chủ còn thả thêm một con hổ. Thấy hổ đuổi sát phía sau, chú ngựa dồn sức phóng hết tốc lực. Lúc trở về, người chủ nói: "Ngựa biết hôm nay ngựa chạy được bao xa không? Xa gấp đôi ngày thường, dù thời gian là như nhau”.
Kể xong câu chuyện ngụ ngôn đó, ông Thăng đặt vấn đề: “Nhìn lại thực tế TP này, chúng ta thấy TP đã thật sự nỗ lực hết sức mình hay chưa?”
TP.HCM phải trở thành đặc khu kinh tế, giống như Thượng Hải và một số TP khác với các cơ chế đặc biệt. Bên cạnh đó, cần học tập mô hình quản trị của các TP hiện đại trên thế giới. Chúng ta đã từng là số một. Nay ta phải ráng hết sức để giành lại vị trí số một đó”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng
Theo ông Thăng, rõ ràng TP có những chuyển biến tích cực, có tăng trưởng nhưng chưa thể hài lòng với sự tăng trưởng đó.
“Không thể chấp nhận mỗi năm tăng trưởng hơn một tí - chỉ không phẩy mấy phần trăm. Phải có khát vọng cao hơn, xa hơn và thực tế TP có tiềm năng để làm được. Hiện tại, sự đoàn kết và đồng thuận xã hội chưa tương xứng với tầm vóc và mục tiêu, lý tưỡng mà ta đề ra là xây dựng TP có chất lượng sống tốt, thành trung tầm tài chính ngân hàng đứng đầu khu vực”- ông Thăng nói.
Nhìn lại quá khứ, ông Đinh La Thăng nói: “ TP.HCM đã từng là hòn ngọc viễn đông, từng là số một của khu vực. Trước đây, Singapore, Thái Lan nhìn về Sài Gòn với một sự ngưỡng mộ, khao khát bao giờ mới được như Sài Gòn. Thế nhưng giờ đây, ngay cả so sánh các TP trong cả nước thì ta còn nhiều mặt kém. Ta vẫn là đầu tàu kinh tế, nhưng ta đã lọt khỏi top 3 về chỉ số CPI.
Một trong những vấn đề có tính then chốt, theo ông Thăng là phải  xây dựng được cơ chế đột phá cho TP phát triển. Làm sao TW phân cấp, ủy quyền cho ta nhiều hơn.
TP.HCM phải trở thành đặc khu kinh tế, giống như Thượng Hải và một số TP khác với các cơ chế đặc biệt. Bên cạnh đó, cần học tập mô hình quản trị của các TP hiện đại trên thế giới.
Bí thư Thành ủy TP cho rằng TP phải tạo ra sức mạnh tinh thần, khí thế hừng hực như thời chiến tranh, đồng thuận xã hội để dẹp bằng mọi gian khó, đưa TP tiến nhanh tiến mạnh hơn. Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân phải có khát vọng về một TP số một.
“Chúng ta đã từng là số một. Nay ta phải ráng hết sức để giành lại vị trí số một đó” - ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Nguồn: tuoitre.vn

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Giám đốc Công nghệ gốc Việt của Uber

Khi mới chuyển tới Indonesia, Thuan Pham thường xuyên phải bơi sang thị trấn bên cạnh để mua kẹo. Rồi mẹ ông bán lại chỗ kẹo đó để lấy tiền mua bánh mỳ cho các con.
Năm 1979, ba mẹ con Thuan Pham rời Sài Gòn (Việt Nam) sang Malaysia rồi Indonesia. Khi ấy, Thuan mới 10 tuổi và hành trình của họ không hề dễ dàng.
Cả ba rời Việt Nam trên một chiếc thuyền tị nạn dài vỏn vẹn 60 mét, cùng 370 người khác và không ai được trang bị áo phao. Thuan cho biết thường thì chỉ có 50% cơ hội sống sót trên những chiếc thuyền vượt biển như vậy. Thậm chí, gia đình ông còn gặp cướp biển hai lần trong chuyến hành trình.
"Chúng tôi không sợ hãi. Thực tế, chúng tôi rất bình tĩnh và không đầu hàng hoàn cảnh. Nó cũng như hành trình của một doanh nhân khởi nghiệp vậy. Kể cả khi mất tất cả trong một ngày, bạn vẫn có thể xây dựng lại tất cả nếu giữ được sự bình tĩnh", Thuan nhớ lại.

Thuan Pham hiện là Giám đốc Công nghệ Uber. Ảnh: The Information
Tuổi thơ gắn liền với súng đạn và khói lửa đã giúp Thuan Pham chẳng còn sợ hãi cái chết. Ngược lại, ông còn rất liều lĩnh. "Chúng tôi đóng cửa sổ, chui xuống gầm bàn và thức trắng cả đêm mỗi khi có đợt không kích", ông nhớ lại. Vào những buổi sáng Chủ nhật, Thuan cùng những đứa trẻ khác còn lén ra ngoài nhặt vỏ đạn để chơi với nhau.
"Nó dạy cho tôi biết rằng cuộc sống vốn rất phù du. Tôi khuyên các doanh nhân trẻ hãy xem việc khởi nghiệp như một trải nghiệm học hỏi. Nếu mọi thứ thất bại, bạn vẫn có thể xây dựng lại. Vì các bạn ở trong một thế giới tự do", ông nói.
Khi mới tới Indonesia, họ ở tại đảo Letung trong 10 tháng. Để kiếm sống, mẹ ông đã mở một sạp hàng bán và cậu bé Thuan chính là người phải bơi sang thị trấn gần đó để lấy hàng cho mẹ. "Có ngày chúng tôi lãi được 10 cent. Đó đã là một khoản lớn rồi. Từng ấy có thể mua cá tươi", Thuan Pham nói.
Một thời gian sau, cả gia đình chuyển tới Maryland (Mỹ). Tại đây, mẹ ông ban ngày làm kế toán cho một trạm xăng, và buổi tối lại bán hàng tạp hóa ở siêu thị.
Thuan sau đó cũng được đến trường học. Vào cuối tuần, ông còn làm việc tại một trạm rửa xe. Năm 1986, Thuan được nhận vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), chuyên ngành  khoa học máy tính. Ông tốt nghiệp năm 1991 - thời điểm Internet vừa xuất hiện.
Sau khi ra trường, Thuan Pham làm việc cho nhiều công ty, như HP Labs, Silicon Graphics, DoubleClick và VMWare. Ông gia nhập Uber năm 2013, khi ứng dụng đi chung xe này đã có mặt tại 60 thành phố trên thế giới, với khoảng 200 nhân viên. Hiện Uber đang hoạt động tại khoảng 400 thành phố.
"Tôi khuyến khích các doanh nhân trẻ tự học. Giáo dục bậc đại học, cao đẳng sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho bạn. Tuy nhiên, tôi vẫn phản đối việc các bạn trẻ dành những năm tháng quý báu của cuộc đời vào việc học tiến sĩ. Trừ phi nó đóng góp được gì đó cho đời sống con người. Thay vào đó, hãy mở một công ty có thể mang lại nhiều giá trị nhiều", ông nói.
Những ngày đầu tiên làm việc tại Uber, rất nhiều lần, Thuan nhận thấy ứng dụng này bị lỗi do sai sót của một lập trình viên nào đó. "Giờ chúng tôi không còn gặp trục trặc nữa, vì đã trải qua giai đoạn đó ngay từ đầu cuộc hành trình. Các doanh nhân thường cũng sẽ nhanh chóng thất bại trong những ngày đầu khởi nghiệp", ông nói.
Tại Uber, Thuan đã xây dựng một cấu trúc mà dù xảy ra trục trặc gì, nền tảng vẫn hoạt động bình thường. Ông vừa ra mắt một mô hình có khả năng mở rộng cho công ty. Và Uber cũng đang xây dựng các trạm máy chủ riêng, bên cạnh việc dựa vào các hãng thứ ba như Amazon Web Services.
Thuan cho biết Uber luôn giữ suy nghĩ ở tầm vĩ mô. "Chúng tôi đang cố gắng tạo nên một nền tảng phục vụ nhu cầu tiêu dùng với quy mô toàn cầu. Tôi rất hứng thú với công việc xây dựng một ứng dụng có thể mang tới cho mọi người bất cứ thứ gì chỉ trong vòng vài phút", ông nói.
Với những trải nghiệm của bản thân, Thuan đã đưa ra 4 lời khuyên cho các doanh nhân khi tham gia một sự kiện tại Delhi.
Một là, tiền bạc sẽ đến khi bạn làm một cái gì đó tác động đến nhiều người. Nếu bạn chỉ theo đuổi tiền, bạn sẽ thực sự không hạnh phúc. Hai là, hãy xây dựng một cái gì đó có thể tác động và thay đổi cuộc sống của mọi người trên thế giới, điều đó sẽ thúc đẩy bạn luôn tiến bộ.
Tiếp đó, đừng quá nghiêm trọng với bản thân và đừng ngại thử thách mình trước những rủi ro trong cuộc sống. Trong quá trình này, hãy luôn chuẩn bị tâm trạng vui vẻ, thoải mái cho mình.
Và cuối cùng, việc phát triển, giúp đỡ mọi người sẽ thực sự khiến bạn thấy hài lòng về kết quả. Hãy phát triển những người trẻ trong nhóm để họ có thể lãnh đạo và tác động đến hàng trăm người khác. Ngay cả nếu sau đó bạn ra đi, bạn cũng sẽ cảm thấy rất hài lòng và thoải mái.
Kim Dung (theo Tech in Asia)