Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Những ngôi nhà ống Việt Nam nổi bật trên báo Tây

Ngày càng nhiều công trình của Việt Nam được độc giả nước ngoài biết tới, có ngôi nhà đạt lượng xem cao nhất năm của tạp chí danh tiếng.

Trong năm 2016, hàng chục ngôi nhà xây dựng ở Hà Nội, Sài Gòn... được giới thiệu trên các trang kiến trúc hàng đầu như Dezeen, Archdaily. Dưới đây là hình ảnh của một số công trình nhà ống Việt Nam tiêu biểu:
1. Ngôi nhà ống phá cách tràn đầy nắng gió ở Sài Gòn

Vượt qua 3.000 dự án, công trình của KTS Shunri Nishizawa trở thành ngôi nhà được xem nhiều nhất trên trang kiến trúc Archdaily năm 2016Nơi ở của cặp vợ chồng trẻ ở quận 7, TP.HCM được chăm chút từng góc nhỏ, với những tia nắng nhẹ chiếu qua kẽ lá, hắt qua các tấm lam gỗ. Những chiếc lá vùng nhiệt đới được sử dụng làm họa tiết xuyên suốt, tăng sự tinh tế trong nội và ngoại thất của ngôi nhà.
2. Nhà ống lung linh nắng ở Kontum

Dù chủ nhà chỉ có một khoản kinh phí vừa phải nhưng KTS Huỳnh Anh Tuấn (Khuôn Studio) vẫn mang tới một không gian sống tiện nghi và lạ mắt. Ngôi nhà có một tầng với mặt tiền 5m, dài 23m được bố trí những khoảng cây xanh, giếng trời hợp lý. Những mảng gạch thông gió hình tam giác tạo ra các vạt nắng trên tường, sàn nhà.

3. Ngôi nhà Sài Gòn với bể bơi nằm ở tầng 2

Với mảnh đất rộng 181 m2 ở mặt phố, chủ nhà đặt ra rất nhiều yêu cầu. Các kiến trúc sư của Vaco Design đã đem tới một không gian sống kín đáo nhưng vẫn thông thoáng phía sau mặt tiền gạch lỗ rộng 12m. Trong nhà có bể bơi nhìn ra bên ngoài, bàn chơi billiard, vườn cây...
4. Ngôi nhà Hà Nội ba mặt không cửa sổ mà vẫn sáng

Nằm trên con đường đông đúc ở quận Đống Đa (Hà Nội), tòa nhà trưng bày sản phẩm của một công ty thu hút bởi kiến trúc khác lạ nhưng vẫn hài hòa với cảnh quan khu phố. Nhà có 5 tầng, trong đó có một tầng bán hầm, xây trên mặt bằng 72 m2. Tường xây hoàn toàn bằng gạch thông gió truyền thống giúp lấy sáng, làm mát nhà.
5. Ngôi nhà lạ mang phong cách Nhật trong hẻm Sài Gòn
Khi nhận thiết kế ngôi nhà ở quận 1 (TP HCM), KTS Sanuki Daisuke, Huỳnh Anh Tuấn (Công ty SDA) hướng tới mục tiêu thiết kế một không gian mà các thành viên sống ở đó có thể tận hưởng được cuộc sống thoải mái ngay trong hẻm. Bên ngoài ngôi nhà mang cảm giác đóng kín, nhưng bên trong sáng và rộng rãi dù diện tích mặt bằng chỉ là 48 m2.

6. Nhà ống nhiều nhược điểm ở Sài Gòn 'lột xác' với 300 triệu

Ngôi nhà ống 40 m2 (4x10m) hướng Tây, nằm trong ngõ nhỏ ở quận 8, TP HCM. Trước khi cải tạo, nhà xây kiểu cũ trông đơn điệu, tối và thiếu công năng. Gia đình muốn sửa lại để có nhiều ánh sáng mà vẫn đảm bảo an toàn, riêng tư. Các kiến trúc sư của công ty Sawadeesign không chỉ đem lại nơi ở ưng ý cho chủ nhà mà còn tạo ra mặt tiền khác lạ với xung quanh với hệ cửa chớp xoay.

7. Nhà không mái xanh mát ở Hà Tĩnh

Nằm trên mảnh đất 160 m2 (8x20m), công trình 3 tầng xây dựng dựa trên ý tưởng hòa trộn kiến trúc và nông nghiệp - nền tảng của sự phát triển bền vững. Gia chủ trồng rau, cây cảnh trên mái dốc giống như các thửa ruộng ở vùng cao.

8. Thiết kế xanh cách ly căn nhà Nha Trang khỏi phố chợ ồn ào

Gia đình ở Nha Trang có một mảnh đất ở ngay khu chợ trung tâm ồn ào, xô bồ. Họ mong muốn có một không gian sống yên tĩnh, hòa với thiên nhiên. KTS Nguyễn Công Toàn cùng các cộng sự ở công ty Chơn.a đã tạo ra sự tương tác nhiều nhất giữa thiên nhiên và con người sống trong ngôi nhà.
(Nguồn vnexpress.net)

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

​Bắc Kinh "quan ngại nghiêm trọng" bình luận của ông Trump

TTO - Chính quyền Bắc Kinh hôm nay 12-12 cho biết "quan ngại nghiêm trọng" về bình luận của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump liên quan tới chính sách "Một Trung Quốc" của Washington.
Bắc Kinh bày tỏ quan ngại trước bình luận của ông Trump về chính sách "Một Trung Quốc" - Ảnh: AFP
Theo đó, Trung Quốc cho biết nếu chính sách Một Trung Quốc bị phương hại hay phá vỡ, sự phát triển ổn định và vững chắc trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như việc hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực quan trọng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Tuyên bố trên của chính quyền Bắc Kinh nhằm đáp trả lại bình luận hôm qua của tỉ phú Trump trong cuộc phỏng vấn với Fox News.
Trong chương trình của Fox News, tổng thống đắc cử Trump nói rằng ông đã không hiểu tại sao Washington phải "bị ràng buộc bởi chính sách "Một Trung Quốc", trừ khi chúng ta có thỏa thuận với Trung Quốc về những vấn đề khác, chẳng hạn như thương mại". 
Ngoài ra, ông Trump cũng mạnh miệng bảo vệ việc ông đã nhận điện thoại từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi đầu tháng này.
“Tôi không thích cái kiểu Trung Quốc ra lệnh cho tôi như vậy. Cuộc điện đàm khá ngắn và rất tốt. Vậy thì tại sao lại có một quốc gia nào đó lại nói rằng tôi không thể nghe cuộc gọi đó? Tôi thấy nó thật sự rất thiếu tôn trọng và thật lòng mà nói, đừng có làm như vậy” - ông Trump nói.
Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan kể từ năm 1979 sau khi thông qua chính sách "Một Trung Quốc".

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Mỹ nhân gốc Việt Lana Condor đóng bom tấn của cha đẻ 'Avatar'

Trần Đông Lan (Lana Condor) giữ vai quan trọng trong phim gần 200 triệu USD do James Cameron chuyển thể từ truyện tranh "Alita: Battle Angel" của Nhật.

Variety đưa tin Lana Condor sẽ đóng vai một thiếu nữ mồ côi tên là Koyomi - mắt xích quan trọng trong đường dây chuyện phim. Đây là vai thứ ba của người đẹp gốc Việt ở Hollywood sau X-Men: Apocalypse và Patriot's Day (đóng cùng Mark Wahlberg).

Ở phim mới, nữ diễn viên sinh năm 1996 diễn cùng dàn sao gồm Rosa Salazar, Jackie Earle Haley, Ed Skrein - tài tử phim Người vận chuyển, Christoph Waltz và Eisa Gonzalez.

Lana Condor vào vai nữ chiến binh Nhật trong bom tấn mới.
Alita: Battle Angel chuyển thể từ series truyện tranh bạo lực của tác giả Nhật - Yukito Kushiro. Cha đẻ Avatar James Cameron phát triển dự án từ đầu những năm 2000. Lúc đầu, James Cameron định ngồi ghế đạo diễn nhưng rồi bận làm loạt Avatar. Ông nhường cho Robert Rodriguez vai trò này trong khi bản thân làm tổng sản xuất cũng như biên kịch. Phim mới có ngân sách khoảng từ 175 đến 200 triệu USD.

Cốt truyện lấy bối cảnh vào thế kỷ 26, xoay quanh một người máy được cứu thoát từ đống rác thải thành phố rồi trở thành sát thủ chuyên theo dõi bọn tội phạm. Người đẹp sinh năm 1985 - Rosa Salazar - đóng vai nữ chính (người máy Alita). Cô từng tham gia hai phim hành động dành cho lứa tuổi vị thành niên là The Divergent Series: Insurgent và Maze Runner: The Scorch Trials.

"Alita: Battle Angel" là dự án được kỳ vọng của James Cameron.
Tài tử Christoph Waltz đóng vai tiến sĩ kiêm cố vấn của Alita. Nam diễn viên Jackie Earle Haley và "người vận chuyển" Ed Skrein hóa làm hai kẻ phản diện chính trong phim.

Phim do hãng Fox sản xuất, dự kiến ra rạp vào 20/7/2018.

Vũ Văn Việt (vnexpress.net)

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Đường ống nước Sông Đà gặp sự cố lần thứ 19

Quá trình duy tu bảo dưỡng, Công ty nước sạch Sông Đà đã phát hiện ra điểm xung yếu, rò rỉ nước nên đã dừng cấp nước cho 70.000 hộ dân để khắc phục.
Đường ống nước sạch Sông Đà vỡ lần thứ 19 sau vài năm hoạt động. Ảnh: Bá Đô
Theo lãnh đạo Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco), gần 20h tối 14/9, nhân viên của công ty trong quá trình kiểm tra đường ống để duy tu bảo dưỡng định kỳ đã phát hiện ra điểm xung yếu, nước rò rỉ và phun lên mặt đất ở đoạn qua Km21 + 600, Đại lộ Thăng Long.

Viwasupco đã huy động công nhân và máy móc đến hiện trường khắc phục sự cố. Đến 22h30, Công ty phải tạm ngừng cấp nước cho hơn 70 nghìn hộ dân. Sự cố được khắc phục trong đêm và đã cấp nước trở lại cho người dân.

Đây đã là lần thứ 19 đường ống này bục vỡ. Lần vỡ gần đây nhất vào ngày 11/7, đường ống bị vỡ tại Km 27+ 600 trên Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội). 

Bá Đô (vnexpress.net)

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Khách hàng phải trả thêm tiền vì tổn thất của ngành điện

Tỷ lệ tổn thất tuy giảm xuống dưới 8% những năm gần đây song với 160 tỷ kWh điện được sản xuất mỗi năm, con số hao hụt bị tính vào giá điện là rất lớn. 

Số liệu được Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) - Ngô Sơn Hải công bố tại hội nghị về công tác giảm tổn thất điện năng vừa qua cho thấy mức hao hụt trong hệ thống của EVN đã giảm dần trong 5 năm, từ 10,15% xuống còn 7,94%. "Với sản lượng năm 2015 khoảng 160 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất điện giảm 1% cũng có ý nghĩa vô cùng lớn", ông Hải chia sẻ và cho biết mục tiêu của EVN trong 5 năm tới là đưa tỷ lệ này về khoảng 6,5%. 

Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực, tổn thất điện năng được tính vào giá điện, nên tỷ lệ càng cao thì khách hàng càng phải trả nhiều tiền "oan". Vì vậy, giảm tỷ lệ tổn thất là thách thức với "ông lớn" ngành điện hiện nay.
Ngành điện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống 6,5% vào 2020. Ảnh: NPT
Thừa nhận thách thức nêu trên, Phó tổng giám đốc EVN - Ngô Sơn Hải chia sẻ rằng ngành điện rất muốn giảm nhanh tỷ lệ tổn thất song điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn, lưới điện, vốn đầu tư...

"Nhiều người thắc mắc vì sao không giảm tỷ lệ tổn thất điện về 0%? Ngành điện cũng rất mong muốn như vậy, nhưng có giảm được hay không còn phụ thuộc vào đặc tính kỹ thuật của hệ thống. Hệ thống nguồn, lưới truyền tải điện càng tập trung, tổn thất càng nhỏ và ngược lại", lãnh đạo EVN giải thích.

Ông Hải cho hay trong vòng 5 năm tới, EVN sẽ tập trung nguồn lực vốn "đổ" vào đầu tư xây dựng hệ thống lưới, nguồn điện. Đơn cử, tập đoàn này sẽ đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 7.000 MW, cũng như đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm như Nhiệt điện Duyên hải 3 (1.244MW), Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200MW)... 

Cùng với đó, EVN sẽ tập trung đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải, đấu nối và giải toả công suất nguồn điện; phát triển vành đai lưới điện ở cấp điện áp 500kV, 220kV khu vực Hà Nội, TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm...

Nguyễn Hoài (vnexpress.net)

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Tân Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh mượn đồ của shop thời trang để đi thi hoa hậu!

Đến váy áo đi thi, Mỹ Linh còn mượn "toàn tập" nói gì đến việc vung tiền mua giải. Các bạn cứ "ném đá" cô ấy. Dám đi bán quần áo kiếm thêm thu nhập thì chắc chắn không phải kiểu tiểu thư con nhà giàu!

Sau khi cô gái 20 tuổi, Đỗ Mỹ Linh đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2016, đã có rất nhiều lời chúc mừng, cổ vũ. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng là những lời bàn tán, thậm chí có tin đồn rằng người đẹp đã mua giải. Không ít khán giả đặt nghi vấn Đỗ Mỹ Linh có đại gia "chống lưng" tại cuộc thi hoa hậu năm nay.


Nhưng theo chủ cửa hàng thời trang mà tân Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh làm thêm được hơn một năm nay cho biết, váy áo đi thi hoa hậu của Mỹ Linh hầu hết đều mượn. "Mình cũng từng nghĩ rằng có việc mua bán giải Hoa hậu cho đến khi Mỹ Linh đăng quang ngày hôm qua. Hai ngày nay có nhiều luồng ý kiến trái chiều về kết quả cuộc thi, có nhiều người bày tỏ ý kiến hết sức tiêu cực nhằm vào em (Đỗ Mỹ Linh). Nhưng theo mình, đến váy áo đi thi, Mỹ Linh còn mượn "toàn tập" nói gì đến việc vung tiền mua giải." 

Trước vòng chung khảo phía Bắc một hôm, Mỹ Linh đến giao chìa khoá cửa hàng như mọi lần. Tân Hoa hậu có xin phép được nghỉ làm một tuần để đi tham dự chung khảo hoa hậu. Nếu vào được chung kết, em sẽ xin được nghỉ hết tháng 8 còn nếu không em sẽ đi làm ngay. Ngoài ra, tân hoa hậu Đỗ Mỹ Linh còn mượn váy tại cửa hàng vì cô không có váy và cũng chưa chuẩn bị được gì. Mỹ Linh nói: "Với cả... chị cho em mượn cái váy ở cửa hàng được không ạ vì em chưa kịp chuẩn bị gì."

Nhiều lần đến cửa hàng không báo trước, những lúc vắng khách là lại thấy Mỹ Linh tập đi catwalk, tân Hoa hậu lúc đó rất xấu hổ. Cô ngồi thụp xuống đỏ mặt vì ngượng ngùng.
Vitalk.vn

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Tiền thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cao hơn nhiều so với báo cáo

Sau 10 ngày giám sát việc thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), Tổng cục Đường bộ phát hiện số thu trung bình mỗi ngày chênh lệch so với số thu bình quân doanh nghiệp báo cáo gần 600 triệu đồng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thanh tra toàn diện việc thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ kể từ khi bắt đầu triển khai dự án thu phí đến nay. Kết quả thanh tra sẽ là cơ sở để các cơ quan điều chỉnh phương án tài chính, xác định lại thời gian dừng thu phí của dự án.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ đã giám sát tại trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong 10 ngày (từ ngày 10 đến 20/7). Kết quả cho thấy số thu trung bình/ngày giám sát chênh lệch so với số thu bình quân theo báo cáo của doanh nghiệp tới gần 600 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Công ty CP BOT, chênh lệch mức phí là do lưu lượng phương tiện tăng cao trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Trì và cầu vượt Ngọc Hồi đang sửa chữa, khiến đoạn này thường ùn tắc. 

Nhằm tăng cường giám sát các trạm thu phí BOT trên cả nước, Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm phê duyệt đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí do Bộ quản lý” để giám sát trực tuyến doanh thu và lưu lượng xe qua trạm thu phí hàng ngày.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà đầu tư sao lưu dữ liệu hình ảnh xe qua trạm thu phí trong toàn bộ thời gian thu phí của dự án, dữ liệu video lưu trữ tối thiểu 5 năm để phục vụ công tác kiểm tra và thanh tra.

Phía Tổng cục Đường bộ cũng cam kết tiếp tục đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm đồng thời tiếp tục giám sát, kiểm tra đột xuất các dự án đang thu phí, phát hiện những sai sót và sự chênh lệch doanh thu làm cơ sở đỉều chỉnh phương án tài chính và xác định lại thời gian dừng thu phí.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành dự án nâng cấp, bắt đầu thu phí BOT từ tháng 10/2015. Tuy nhiên, đầu năm 2016, một cổ đông của Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là Tổng công ty Công trình giao thông 1 (Cienco 1) đã cho rằng Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí không trung thực và đề nghị lắp đặt thiết bị tự giám sát. 

Sau khi Cienco 1 kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ kiểm tra, giám sát thu phí tại cao tốc này.
Đoàn Loan

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Trương Đình Anh đã "chào" Việt Nam khi ước mơ làm Thủ tướng không thành

Trong ngày thứ bảy (23/07) vừa qua, thông tin về việc cả gia đình ông Trương Đình Anh đã sang Mỹ sống và làm việc dài hạn một lần nữa hâm nóng cái tên nổi tiếng này. Từ khi từ nhiệm vị trí CEO của CTCP FPT, ông Trương Đình Anh chỉ xuất hiện lác đác trên truyền thông với những dự án mới, nơi chốn mới.
Trương Đình Anh ước mơ trở thành Thủ tướng
Từng tuyên bố “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”, khi đã qua tuổi 45, Trương Đình Anh chính thức tạm biệt Việt Nam để sống và làm việc tại nước ngoài.

Hãy cùng nhìn lại những công ty đã ghi dấu ấn của vị doanh nhân đình đám từng được gọi là “quái nhân FPT” này.

CTCP FPT telecom
Gia nhập FPT từ năm 1993 với vị trí là Chuyên gia Máy tính, sau 4 năm, Trương Đình Anh trở thành Giám đốc Trung tâm Internet FPT. Đến năm 2003 – năm Việt Nam bùng nổ dịch vụ Internet với sự góp mặt của 3 nhà mạng VNPT, Viettel và FPT Telecom, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông FPT (FPT Telecom). Đây là nơi ghi dấu ấn sâu sắc của Trương Đình Anh.
Mặc dù có nhiều lĩnh vực mới nổi lên nhưng FPT Telecom vẫn luôn là đơn vị thành viên đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn FPT.
FPT Telecom có vốn điều lệ 1.246 tỷ đồng, do FPT nắm 45,64%. Năm 2015, FPT Telecom đạt doanh thu hợp nhất 5.568 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế 882 tỷ đồng. Trong các mảng kinh doanh, mảng Internet băng thông rộng tăng trưởng 31%, mang lại doanh thu trên 3.600 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực nội dung số thu hẹp hoạt động dẫn đến doanh thu giảm 52%.
Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 1.052 tỷ đồng – tăng trưởng 19%.
Theo FPT, kế hoạch quang hóa đã được hoàn tất, dịch vụ truyền hình trả tiền tuy mới được triển khai nhưng đã có tốc độ phát triển mạnh mẽ.
CTCP FPT
Trương Đình Anh giữ chức Phó Tổng giám đốc trước khi được bổ nhiệm làm CEO của tập đoàn FPT vào tháng 2/2011. Con đường đến với vị trí CEO cũng khá gian nan, xuất phát từ chính Trương Đình Anh do ông đã từ chối việc bổ nhiệm với lý do mình sẽ không đủ quyền hành động như một CEO thực sự như tại FPT Telecom.
Mất 3 tháng thuyết phục, FPT mới có được sự đồng thuận của cả hội đồng quản trị lẫn ông Trương Đình Anh cho chức vụ mới. Ngày 25/3/2011, CEO Trương Đình Anh chính thức tiếp quản chiếc ghế của người tiền nhiệm Nguyễn Thành Nam. Và rồi như trên đã nhắc đến, năm 2012, ông đã từ nhiệm vị trí này.
Từ đó đến nay, FPT vẫn ghi nhận sự tăng trưởng bình quân 16%/năm về doanh thu và 8% về lợi nhuận. Tuy 2/3 doanh thu của FPT hiện dựa vào mảng phân phối - bán lẻ hàng công nghệ nhưng Tập đoàn này từng tuyên bố sẽ bán lại mảng bán lẻ FPT Shop, rồi mang tiền quay trở lại đầu tư vào ngành viễn thông còn nhiều tiềm năng và có biên lợi nhuận cao hơn. Thương vụ đang được xúc tiền nhưng chưa có thêm thông tin mới nào được công bố.
6 tháng đầu năm 2016, FPT đạt 17.818 tỷ đồng và 1.258 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Dù vậy, giá cổ phiếu FPT gần như dậm chân tại chỗ cả năm nay dù thị trường nổi sóng lớn.
CTCP Dịch vụ trực tuyến (FPT online)
Năm 2015, mô hình kinh doanh của FPT online thu gọn về mức đơn giản nhất, chỉ kinh doanh nội dung truyền thông và quảng cáo. Với việc suy thoái trong ngành truyền thông báo chí Việt Nam, trong năm này, FPT Online đạt 449 tỷ đồng doanh thu – giảm một nửa so với năm 2014 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng – tăng 88% nhờ các chi phí như giá vốn, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh.
Mặc dù không lãi cao như giai đoạn trước nhưng hiện FPT Online vẫn là một trong số những công ty kinh doanh nội dung số có lợi nhuận lớn nhất.
Ví điện tử Momo
Sau khi rời khỏi FPT, ông Trương Đình Anh đầu tư vào ứng dụng chuyên nhận tiền trực tuyến Ví điện tử Momo do Công ty cổ phần M_Service sở hữu.
Tháng 3/2016, Momo nhận được khoản đầu tư 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.
Galaxy
Sau khi rời khỏi FPT, ông Trương Đình Anh đã xuất hiện tại CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) với vai trò là một thành viên hội đồng quản trị. Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, phát hành phim cũng như truyền thông xuất bản.
Không lâu sau sự xuất hiện của ông Trương Đình Anh, giống như Momo, Galaxy Studio cũng có thương vụ bán cổ phần "đình đám". Năm 2013, Tập đoàn PPB Group đến từ Malaysia đã định giá công ty này ở mức xấp xỉ 80 triệu USD khi chi ra 20 triệu USD để mua 25,8% cổ phần.
Galaxy đang vận hành 6 rạp Galaxy Cinema và trực tiếp sản xuất khá nhiều tựa phim đình đám.
Hải Linh
Theo Trí thức trẻ

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

VAFI tiếp tục công kích nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng


Lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa tiếp tục nêu ý kiến về những "sai lầm" trong công tác quản lý vốn và tài sản doanh nghiệp của nguyên Bộ trưởng Công Thương.

Những ý kiến nêu trên được Phó chủ tịch VAFI - Nguyễn Hoàng Hải đưa ra trong bài viết nêu quan điểm, đăng tải trên website chính thức của Hiệp hội. Đây là lần thứ 7 trong hơn một tháng, lãnh đạo tổ chức này có các văn bản, bài viết với nội dung phân tích, chất vấn về hoạt động của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp thuộc Bộ trong thời gian điều hành của ông Vũ Huy Hoàng.
Nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: H.H
Trong văn bản lần này, lãnh đạo VAFI nêu ra 5 vấn đề được nhìn nhận là "sai lầm" của cựu Bộ trưởng, liên quan đến bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại doanh nghiệp, chậm bàn giao các doanh nghiệp thuộc bộ về SCIC, chậm cổ phần hóa, niêm yết cổ phiếu... cũng như tái khẳng định việc sai luật trong bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai ông Hoàng) về các doanh nghiệp... Nhiều vấn đề được VAFI so sánh với giai đoạn điều hành của lãnh đạo tiền nhiệm hoặc các bộ khác.
Cụ thể, lãnh đạo VAFI cho rằng "sai lầm" đầu tiên của ông Vũ Huy Hoàng là việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ mà không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị.
Điển hình là chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Theo đó, thành tích quản trị của các lãnh đạo đương nhiệm được VAFI đánh giá là "rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải được đào tạo qua thử thách và có nhiều thành tích cũng như kinh nghiệm".
Tại Sabeco, VAFI cho rằng Chủ tịch đương nhiệm là ông Võ Thanh Hà không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp nhưng vẫn được kiêm nhiệm luôn cả chức danh Tổng giám đốc. "Hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn Nhà nước. Tại sao Bộ Công Thương không bổ nhiệm Tổng giám đốc. Chẳng lẽ Sabeco không còn ai có thể đảm đương vị trí này?", VAFI chất vấn.
Tại nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí, điện, than... VAFI nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy sự sốt sắng với định hướng cổ phần hóa. Bộ máy quản lý cồng kềnh, chưa hoạt động theo mô hình tập đoàn mà thực chất chỉ là những đơn vị quản lý hành chính ở cấp trung gian.
Ngoài ra, người đại diện VAFI còn cho rằng các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương như thép, hóa chất, than khoáng sản... ở vị thế tài chính rất yếu so với trước đó 10 năm. "Mang tiếng là công ty mẹ nhưng mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ Nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn. Điều này đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên", bài viết nêu.
Thứ hai, VAFI cho rằng Bộ Công Thương đã chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho Tổng công ty Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC), điển hình là Sabeco, Habeco... VAFI nhận định SCIC vẫn còn nhiều yếu kém song năng lực quản lý vốn còn hơn nhiều các bộ ngành, địa phương.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công Thương được nhận định là trốn tránh niêm yết, người đại diện không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng.
VAFI chỉ ra rằng trong giai đoạn trước, thị trường chứng khoán liên tục đón nhận nhiều hàng hóa chất lượng thông qua việc bán bớt cổ phần Nhà nước và IPO như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Đạm Phú Mỹ... nhưng những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex... lại chưa chịu lên sàn.
"Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ, chắc phải nhiều lần nghe Thủ tướng nói về việc thúc đẩy niêm yết nhưng tại sao không chấp hành lệnh của cấp trên. Bộ trưởng mà không quan tâm đến việc thúc đẩy sự minh bạch thì cấp dưới cũng không thực hiện, hoặc như Sabeco có nói rằng, họ không có thẩm quyền quyết định", VAFI chất vấn.
Cùng với niêm yết, lãnh đạo VAFI cho rằng phong trào cổ phần hóa cũng đi xuống và trì trệ. Bộ quản lý nhiều doanh nghiệp Nhà nước song lợi nhuận tại các đơn vị này lại thua xa so với các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải...
Cuối cùng, bài viết cũng nhắc lại và phân tích việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên Hội đồng quản trị Sabeco là "mang đậm tính vụ lợi và bị nghiêm cấm theo Luật Phòng chống tham nhũng". Theo VAFI, trong thời gian ngắn công tác ở Cục Xúc tiến thương mại, với vai trò là Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, ông Vũ Quang Hải đã được làm kiểm soát viên của Vinataba. Việc bổ nhiệm này là sai luật.
Cụ thể, theo Luật Công chức Nhà nước, để làm thành viên Ban kiểm soát, người được bổ nhiệm phải là công chức. Tuy nhiên, theo thông tin ông Vũ Quang Hải trả lời báo chí được VAFI dẫn lại, vị này về Cục Xúc tiến thương mại không theo cơ chế tuyển dụng ngạch công chức.
"Thành viên Ban kiểm soát không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh,chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác. Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng, là người đại diện quản lý vốn cao nhất có quyền bổ nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị thì rõ ràng việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải là không đúng luật", VAFI phân tích và khẳng định Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định "nghiêm cấm hành vi lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ vì vụ lợi".
Ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn gửi các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm sau khi có Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh. Tổng bí thư giao Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành các công việc thuộc thẩm quyền, trong đó có kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng một cách "khách quan, không chịu bất kỳ một sức ép nào".
Trước đó, từ giữa tháng 6/2016, lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam mà trực tiếp là Phó chủ tịch Nguyễn Hoàng Hải đã có nhiều văn bản, bài viết gửi các cơ quan chức năng, các cá nhân liên quan cũng như đăng tải trên website liên quan đến việc quản lý vốn, cán bộ Nhà nước tại Sabeco cũng như hoạt động điều hành của Bộ Công Thương và cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Đến ngày 28/6, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn trả lời VAFI về một số nội dung liên quan.
Bạch Dương (vnexpress.net) 

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Trung Quốc điều USV Jinghai đến Biển Đông: Nguy hiểm!

Theo Sputnik, Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai (phi pháp) các tàu chiến không người lái (USV) đến vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Báo Nga dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, động thái này này, Bắc Kinh cho rằng các tàu USV sẽ giúp nước này tăng cường khả năng giám sát an ninh trên biển và khảo sát đại dương.
Một mẫu tàu USV được thiết kế để hoạt động độc lập có tên Jinghai của Trung Quốc sẽ nhận nhiệm vụ trên, nó được thiết kế và phát triển bởi Viện nghiên cứu phát triển công nghệ USV Trung Quốc.
Trước khi xuất hiện kế hoạch triển khai này, Jinghai cũng từng được thử nghiệm tại Biển Đông vào năm 2013 nhưng khi đó chúng được Trung Quốc giới thiệu là USV phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.
Hiện tại Jinghai đã được phát triển tới nguyên mẫu thứ 7, do đó kế hoạch đưa các tàu Jinghai đầu tiên vào hoạt động trên Biển Đông nhiều khả năng sẽ được Trung Quốc triển khai trong thời gian sắp tới.
Theo một số nguồn tin, Jinghai chắc chắn sẽ được Trung Quốc đưa vào hoạt động gần các đảo mà nước này đang chiếm giữ trái phép trên Biển Đông vì mẫu tàu không người lái USV này không thể hoạt động xa bờ.
Dù Trung Quốc không tiết lộ sẽ sử dụng USV Jinghai vào mục đích gì nhưng theo Tạp chí The Diplomat, với dàn vũ khí đặc chủng triển khai trên chiếc USV này, ý đồ của Trung Quốc không gì khác ngoài việc đối phó với lực lượng đặc công nước của những quốc gia Bắc Kinh gọi là đối thủ.
Qua hình ảnh mô hình về chiếc USV Jinghai được công bố, tạp chí The Diplomat cho rằng chiếc USV này được trang bị hệ thống rocket chống người nhái CS/ARI 55mm.
Theo nguồn tin này, khi tàu chiến dừng, cập bến, neo đậu thì USV này sẽ áp dụng phương thức bắn độc lập, bắn nhóm hoặc bắn đồng loạt, tiêu diệt có hiệu quả các mục tiêu di động nhỏ khu vực dưới nước lân cận như người nhái.
Trung Quốc từng khoe khoang rằng: Hệ thống này gồm có rocket chống người nhái, thiết bị khởi động và điều khiển, đạn sát thương người nhái. Hệ thống áp dụng thiết kế mô đun hóa, chiếm diện tích nhỏ. Rocket này áp dụng hệ thống dò tìm định vị thủy âm, độ chính xác rất cao.
The Diplomat dẫn nguồn từ Hoàn Cầu cho biết thêm, do tiếng ồn sinh ra từ hoạt động bơi của người nhái trong nước rất nhỏ, giống như quân nhân được huấn luyện đặc biệt, tiếng ồn khi bơi sẽ nhỏ hơn, nhưng loại vũ khí mới này (rocket chống người nhái) cũng có thể dò tìm được và tiến hành tấn công đối với người nhái.
Các bộ phận của rocket chống người nhái áp dụng công nghệ lắp ráp nhanh, vận chuyển rất thuận lợi. Hệ thống này áp dụng công nghệ kiểm soát/điều khiển số hóa, tốc độ phản ứng nhanh, độ chính xác cao, có khả năng tự phán đoán sự cố nhất định, mức độ thông minh cao, khả năng bảo trì tốt, có thể áp dụng nhiều loại mô hình như tác chiến hệ thống và tác chiến độc lập.
Theo quảng bá của Trung Quốc, tầm bắn hiệu quả của nó là 2 km, đồng thời hiện nay còn đang nghiên cứu phát triển rocket tầm bắn xa hơn.
Kế hoạch Trung Quốc điều USV đến Biển Đông được đưa ra ngay sau khi Mỹ quyết tăng cường triển khai các tàu tuần tra ở khu vực vùng biển tranh chấp trên Biển Đông cùng đó là kế hoạch tập trận dày đặc tại vùng biển này.
Ngoài ra, Washington còn để ngỏ tới khả năng triển khai máy bay do thám không người lái đến gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Lầu Năm Góc đang hoàn thiện kế hoạch triển khai UAV và cả phương tiện lặn không người lái UUV đến Biển Đông nhưng lại không công bố các phương tiện này thuộc chủng loại nào.
theo Đất Việt

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Côn Đảo vào top 10 điểm đến đáng sợ ở châu Á

Trang CNN đã liệt kê 10 địa điểm được nhiều du khách cảm thấy lạnh gáy nhất khi tới tham quan. Nhà tù Côn Đảo, Việt Nam cũng nằm trong danh sách này.


Chuồng Cọp, Côn Đảo, Việt Nam
Chuồng cọp được thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dùng để tra tấn những người Việt yêu nước trong thời kỳ chiến tranh. Nơi đây được cho là một trong những địa ngục trần gian, khiến không ít người cảm thấy lạnh gáy khi nhắc đến.

Trường Tat Tak, Hong Kong, Trung Quốc
Ngôi trường là điểm đến tham quan không thể bỏ lỡ của những du khách thích nghe truyện ma. Ngôi trường bị bỏ hoang này luôn là chủ đề được nói đến với các câu chuyện đáng sợ, trong số có nhiều trường hợp đến đây tự tử và hồn ma của cô gái trong bộ trang phục màu đỏ. Tat Tak đáng sợ đến mức một số tài xế taxi yếu bóng vía cũng từ chối chở khách tới con đường dẫn đến ngôi trường này.
Lawang Sewu, Indonesia
Cuối thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã có một trận chiến với quân đội Indonesia ở phía trước tòa nhà này. Nhiều người kể lại, đến nay họ vẫn nghe thấy tiếng người rên rỉ vì bị tra tấn trong tầng hầm. Mặc dù đây chỉ là những câu chuyện nhằm "dọa ma" người yếu tim, nhưng Lawang Sewu vẫn là một trong những điểm đến dành cho du khách dũng cảm.
Động Chibichiri, Okinawa, Nhật Bản
Cuối thế chiến thứ 2, những người lính Nhật thà tự kết liễu mạng sống còn hơn rơi vào tay lính Mỹ. Do đó, nơi này chứa khá nhiều hài cốt của binh sĩ cũng như dân thường.
Bệnh viện Clark, Philippines
Bệnh viện được xây dựng bởi quân đội Mỹ. Vào năm 1991, núi lửa Pinatubo phun trào khiến không ít binh lính thiệt mạng. Ngày nay người dân bản địa tin rằng nơi đây vẫn còn nhiều hồn ma của lính Mỹ vất vưởng.
Nhà tù Bagua, Đài Loan, Trung Quốc
Nằm ở ngoài khơi bờ biển phía nam của Đài Loan là Đảo Xanh (Green Island), một điểm thu hút du khách. Trên đảo có một nhà tù cũ, nơi đây được cho là bị ám ảnh bởi các oan hồn những người bị giết trong thời kỳ khủng bố trắng 1949-1987.
Yeongdeok, Hàn Quốc
Đây được cho là ngôi nhà ma ám nổi tiếng nhất tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc. Tại đây, người ta cho rằng có hồn ma của một cô gái đã tự sát vì bị bạn trai bỏ rơi. Ngoài ra ngọn đồi mà ngôi nhà tọa lạc còn là nơi chôn cất vô số binh lính Hàn trong thế chiến thứ hai.
Đồi Ma, Penang, Malaysia
Phía trên đỉnh đồi là bảo tàng chiến tranh. Nhiều người thợ xây dựng trên đảo cho biết họ từng nhìn thấy một bóng ma được cho là của sĩ quan người Nhật đi lại trong bảo tàng.
Đền Phra Si Sanphet, Ayutthaya, Thái Lan
Khoảng 50 năm trước, một nhóm cướp tới trộm vàng ở ngôi đền cổ này và chúng đã bị nguyền rủa. Ngày nay, tới thăm nơi này bạn sẽ được người dân địa phương truyền tai về cái chết bí ẩn của những tên cướp và họ tin rằng, điều đó do lời nguyền đáng sợ gây nên.
Tháp Silence, Ấn Độ
Tòa tháp của sự im lặng này là nơi dùng để xác chết. Các tử thi sẽ được xếp ở phía trong và làm mồi cho chim ăn. Đây là tín ngưỡng của những người theo đạo Bái Hỏa giáo.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Cục Hàng hải cảnh báo cướp tàu trên biển Đông

Trước nhiều vụ cướp biển gia tăng, Cục Hàng hải vừa có công văn khẩn gửi các cảng vụ hàng hải địa phương cảnh báo và yêu cầu có biện pháp đối phó. 
Diễn tập phòng chống cướp biển. Ảnh: Báo Giao thông
Theo ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cơ quan này vừa nhận được báo cáo đặc biệt từ Trung tâm chia sẻ thông tin Recaap (Hội đồng điều hành chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á) về tình hình cướp biển xảy ra với các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines thời gian gần đây.
Do đó, Cục Hàng hải yêu cầu các cảng vụ hàng hải tuyên truyền, phổ biến với chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu về tình hình cướp biển và yêu cầu triển khai kế hoạch an ninh tàu biển. 
Cụ thể, các tàu phải tăng cường trực ca khi neo đậu, giữ chiếu sáng xung quanh tàu và bật đèn pha cao áp, tăng cường xoay tua trực ca và bấm còi báo động khi phát hiện có người lạ tới gần hoặc đang ở trên tàu. Các tàu phải duy trì trực ca liên tục để nhận các khuyến cáo; chuyển hướng hoặc tránh vào khu vực nguy hiểm, duy trì thông tin liên lạc với các đơn vị chức năng tại khu vực...
Theo Cục Hàng hải, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 đã xảy ra 3 vụ cướp biển có vũ trang tấn công và bắt cóc thuyền viên tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines.
Ngày 26/3, tàu Brahma 12 treo cờ Indonesia kéo sà lan Anand 12, chở 7.000 tấn than rời cảng Kalimantan (Indonesia) đến nhà máy thủy điện Philippines đã bị 17 tên cướp trang bị súng đột nhập lên tàu từ một tàu cao tốc có 3 máy ngoài và một tàu vỏ gỗ động cơ đẩy thủy lực. Toán cướp bắt toàn bộ 10 thuyền viên người Indonesia.
Ngày 1/4, tàu Massive 6 quốc tịch Malaysia với 9 thuyền viên đang trên đường từ Manila (Philippines) đi Tawau để tiếp nhiên liệu. Tại khu vực cách Semporna, Sabah, đông Malaysia khoảng 27 hải lý, 8 tên cướp trang bị súng đã tiếp cận và lên tàu, bắt 4 thuyền viên người Malaysia. 
Ngày 15/4, tàu Henry quốc tịch Indonesia kéo theo sà lan Christi khi đang trên đường đến Cebu, Philippines đi Tarakan (Indonesia) đã bị một số tên cướp có vũ trang sử dụng xuồng cao tốc tiếp cận. Tàu bị tấn công bằng súng khiến một thuyền viên bị thương và 4 người khác bị bắt. 
Đoàn Loan (vnexpress.net)

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút các máy bay chiến đấu khỏi Hoàng Sa

Việt Nam kêu gọi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm để đảm bảo hòa bình ở khu vực và không tái diễn việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.


viet-nam-yeu-cau-trung-quoc-rut-cac-may-bay-chien-dau-khoi-hoang-sa
Trung Quốc được cho là điều đến 16 chiến đấu cơ J-11 ra Phú Lâm. Ảnh: Star and Stripes
Trong họp báo chiều nay, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định việc Trung Quốc điều các chiến đấu cơ J-11 đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở khu vực. 
"Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự", ông Bình nói.
Các quan chức Mỹ mới đây cho biết Trung Quốc điều đến 16 chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, số lượng này là "chưa từng có tiền lệ". Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh cũng từng điều loại máy bay chiến đấu tương tự tới đảo Phú Lâm, lần gần nhất là tháng hai, nhưng với số lượng ít.
Ông Bình nhấn mạnh với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là Công ước năm 1982 của LHQ (UNCLOS) và Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).
Các bức ảnh vệ tinh do truyền thông Mỹ công bố cũng cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống radar kiểm soát hỏa lực ở Phú Lâm, phục vụ cho việc khai hỏa tên lửa phòng không HQ-9 mà nước này đặt tại đây hồi tháng hai. Nhiều tên lửa đã được đưa vào vị trí sẵn sàng khai hỏa ở phía đông của đảo. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 và thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp trên đảo Phú Lâm từ hồi 2012.
Trước việc Trung Quốc vẫn duy trì việc tôn tạo các đảo nhân tạo phi pháp, nhiều nước trên thế giới bày tỏ lo ngại về các căn cứ quân sự do Bắc Kinh xây dựng. Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 mới đây tại Nhật Bản đã ra tuyên bố phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng và khiêu khích ở Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đề cập việc quan chức quốc phòng Philippines tiết lộ nước này và Việt Nam sẽ bàn khả năng tập trận và tuần tra hải quân chung, ông Bình chưa xác nhận tin này nhưng khẳng định Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đang có chuyến thăm tới Manila.
"Với chính sách đối ngoại cũng như chính sách quốc phòng hòa bình và độc lập tự chủ của mình, bất cứ hợp tác nào của Việt Nam với các bên đối tác cũng đều nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực", ông Bình nói.
Việt Anh (vnexpress.net)