Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Sẽ bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội...

TTO - Dự kiến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, Quốc hội khóa XIV sẽ họp kỳ đầu tiên và công tác nhân sự khóa tới (2016-2021) lại bắt đầu.

Ông Uông Chu Lưu - Ảnh: P.H.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định đợt kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước tại kỳ họp 11 này là đợt bầu và phê chuẩn thuộc Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016). 

Dự kiến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, Quốc hội khóa XIV sẽ họp kỳ đầu tiên và công tác nhân sự khóa tới (2016-2021) lại bắt đầu. Có nghĩa là Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, bầu Phó chủ tịch nước, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, phê chuẩn các thành viên Chính phủ.

Ông Lưu cho biết, đợt kiện toàn nhân sự lần này (tuy chỉ còn khoảng ba tháng sẽ kết thúc nhiệm kỳ 2011-2016) là để đáp ứng nhu cầu công việc, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước sau Đại hội Đảng XII và theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, Quốc hội bầu các chức danh: Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội và ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội “trong số các đại biểu Quốc hội”.

Quốc hội cũng bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao. Ba chức danh này không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội.

Đối với bộ máy hành pháp, Quốc hội phê chuẩn Phó thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ. Các chức danh phê chuẩn không nhất thiết phải là đại biểu 
Quốc hội.

Như vậy tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội tháng 5 tới, nếu người nào giữ chức danh bắt buộc là đại biểu Quốc hội mà không trúng cử thì đương nhiên thôi chức danh đó.

Ở kỳ họp thứ nhất khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), Quốc hội sẽ kiện toàn hoàn chỉnh bộ máy nhà nước. Ngoài việc bầu và phê chuẩn (lại) 37 nhân sự như vừa nêu, Quốc hội bầu và phê chuẩn các nhân sự còn lại của Quốc hội và của Chính phủ.
                                                                         Nguồn: tuoitre.vn

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Một bạn trẻ Việt đề xuất "chiến lược" ứng phó Trung Quốc

TTO - Hội thảo “Quân sự hóa Biển Đông và những hệ quả” tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ) tập trung vào xu hướng quân sự hóa ở Biển Đông thời gian gần đây từ nhiều góc độ, bao gồm cả chiến lược quân sự lẫn luật pháp quốc tế
Lính thủy đánh bộ Philippines trong cuộc tập trận vai kề vai quy mô lớn với binh sĩ Mỹ khiến Trung Quốc quan ngại - Ảnh: Marine Corps.


Những phép thử mới

Không những Washington cần “suy xét lại”, mà tất cả các nước có liên quan tới tranh chấp Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines... cũng cần một cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh một hệ thống các khả năng “trừng phạt” nếu Bắc Kinh tiếp tục chính sách bành trướng và bất chấp luật pháp quốc tế.

Đó là quan điểm chính của nghiên cứu sinh Ngô Di Lân (Đại học Brandeis, Mỹ). Nghiên cứu sinh Lân lập luận rằng các nước có lợi ích tại Biển Đông này cần một chiến lược “Phản ứng linh hoạt” ứng phó sự hung hăng của Trung Quốc.

Chiến lược này có 4 đặc điểm chính là: tức thời (trong phản ứng), độc lập (trong hành động), chọn lọc (trong cách tiếp cận) và cân đối (trong các lợi ích song hành khác).

Mục tiêu chính của chiến lược này là gia tăng chi phí cho mọi hành động gây căng thẳng của Trung Quốc và gửi tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh, để thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc thay đổi tính toán chiến lược.

Đầu tiên, đòn trả đũa phải được thực hiện tức thời để Bắc Kinh thấy rằng họ sẽ phải trả giá cho mọi hành động gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời vô hiệu hóa ngay lập tức những hành động nhằm thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông.

Ví dụ nếu Trung Quốc triển khai tên lửa SAM lên các đảo có tranh chấp, Mỹ nên lập tức trang bị các hệ thống vũ khí được thiết kế nhằm vô hiệu hóa các tên lửa SAM của Trung Quốc cho các nước nhỏ hơn.

Thứ hai, đòn trả đũa phải độc lập, có nghĩa nó phải là một hành động cụ thể và riêng lẻ để có thể thực hiện được ngay. Ví dụ cụ thể là sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) vào cuối năm 2013 ở biển Hoa Đông, Mỹ ngay lập tức điều hai máy bay B-52 bay qua khu vực đó, bất chấp mọi lời cảnh báo của Trung Quốc.

Thứ ba, đòn trả đũa phải được thực hiện có chọn lọc. Thay vì thực thi các lệnh trừng phạt dàn trải thì các nước nên nhắm đúng vào các công ty hay các cá nhân có liên quan trực tiếp tới những hành động gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, như trừng phạt các công ty dầu khí của Trung Quốc hay áp đặt lệnh cấm visa lên các cá nhân trực tiếp ra quyết định điều vũ khí lên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông.

Cuối cùng, sức mạnh của đòn trả đũa phải cân đối, có nghĩa là Trung Quốc làm gì thì các nước nên phản ứng ở mức tương tự. Nếu có thể phản ứng với mức độ cân đối, tương tự như mức của Trung Quốc thì sẽ kiểm soát được tình hình và giảm thiểu rủi ro leo thang ngoài ý muốn.

Trích: tuoitre.vn 

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

An Khê chứa kho báu vô giá khiến "người Nga cũng phải khóc"

TT - “Các chuyên gia Nga dựng lều tại bãi đất, ngày đêm chong đèn soi cứu, họ tỉ mỉ ngoài sức tưởng tượng và phát khóc lên ôm chầm lấy nhau khi phát hiện ra thứ gì đó dưới mặt đất".

Các vật dụng đồ đá cũ được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (thị xã An Khê, Gia Lai) - Ảnh: B.D.
“Kết quả khai quật vượt xa những gì chúng tôi kỳ vọng. Đợt phát hiện này có tầm vóc quốc tế, chưa từng ghi nhận trong khu vực” - PGS.TS Nguyễn Giang Hải, viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, nhận định lạc quan về kết quả nghiên cứu khảo cổ bước đầu tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai).

Thông tin được công bố sáng 1-4 với sự tham gia của đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu của Viện Khảo cổ học Novosibirsk (Nga) cùng UBND tỉnh Gia Lai.

Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải, những dấu tích vô tình được viện khảo cổ phát hiện trong một báo cáo chuyên môn của các tỉnh Tây nguyên. Cuối năm 2014, sau khi cử đoàn thăm thám, các chuyên gia phát hiện dưới tầng đất tại các ngôi làng ở thị xã An Khê “chứa đựng một kho báu vô giá”.

Đầu năm 2015, Viện Khảo cổ học gửi lời mời và nhanh chóng được Viện Khảo cổ học Novosibirsk đáp lời. Đoàn chuyên gia về đồ đá cũ gồm những người giỏi nhất trong giới khảo cổ Nga, dẫn đầu là TS Anatony Derevianko - viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga, đã qua Việt Nam, mang theo những thiết bị chuyên dụng để bắt đầu hành trình tìm lại dấu tích của loài người.

Các hiện vật đá này bao gồm hình mũi nhọn, các công cụ chặt, nạo, hòn ghè, mảnh tước... vốn là các công cụ lao động của loài người thời nguyên thủy.

Quan trọng hơn, đoàn chuyên gia cũng đã tìm thấy ở xã Xuân An, thị xã An Khê một khu vực gò đồi cao có liên kết với nhau thành một thung lũng bồn địa, có thể là một khu vực sinh sống quần cư của loài người. Trên các điểm này có 12 điểm có dấu tích văn hóa của người nguyên thủy - gọi chung là di tích “Tộc Rưng”.

Các tầng văn hóa gần như vẫn còn nguyên vẹn, được bảo tồn trong trạng thái tốt. Càng mở rộng khai quật, đoàn còn phát hiện nhiều rìu tay, các vật dụng trong sản xuất sinh hoạt hằng ngày, các vật dụng này phân bố trong một tầng đất chứng tỏ sự xuất hiện của loài người nguyên thủy đã tồn tại ở An Khê trong một thời gian rất dài.

PGS.TS Nguyễn Giang Hải cho biết hiện nay trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á và lãnh thổ Việt Nam chưa từng phát hiện vệt khảo cổ nào có quy mô và giá trị như tại An Khê.

“Các nơi ghi nhận có kết quả đồ đá cũ thì chỉ phát hiện một cách ngẫu nhiên, các vật dụng ở dạng đơn lẻ chứ không tập trung thành vệt và hình thành thành tầng văn hóa như ở An Khê.

Với giới khảo cổ học, đây là một phát hiện mang tính lịch sử, có thể khẳng định rằng An Khê là một trong những cái nôi của loài người, các cư dân loài người cổ đã từng sinh sống ở vùng đất này, đã tập trung lại bằng những dấu tích bằng chứng khoa học rõ ràng”.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho rằng niên đại tuổi của các chế phẩm trong tầng văn hóa phát hiện được là rất cổ, lên tới 70-80 vạn năm, lâu đời nhất từ trước đến nay được ghi nhận.

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia Nga, thậm chí một số vật dụng còn có một số nét cổ xưa hơn sưu tập đá Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), vốn được định niên đại khoảng 80 vạn năm trước.

Việc phát hiện kết quả khảo cổ này khẳng định An Khê có mặt các di tích cổ xưa nhất của nhân loại, đây là các chế phẩm của người vượn đứng thẳng (Homo erectus), minh chứng cho giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc.

Có mặt tại buổi họp báo, bà Huỳnh Nữ Thu Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - khẳng định: Trên cơ sở các đánh giá khoa học, chính xác tỉnh sẽ thành lập đề án để khoanh vùng, bảo tồn kết hợp với quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo - nơi dấy binh của anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ nhằm lưu giữ, tạo điểm nhấn của vùng Tây nguyên.
An Khê chứa kho báu vô giá khiến "người Nga cũng phải khóc"
Một hố khảo cổ tại thị xã An Khê, Gia Lai - Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nguồn: tuoitre.vn