Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Những chiếc BMW đầu tiên của Trường Hải có mặt tại Việt Nam

21 chiếc BMW và 34 chiếc MINI nhập khẩu châu Âu có mặt tại cảng VICT thuộc sở hữu của công ty Trường Hải Premium.

Khoảng 55 xe của hai thương hiệu BMW và MINI xuất hiện tại cảng VICT (TP HCM) trong tình trạng chưa thông quan. Đây đều là những xe mới, chưa qua sử dụng với 21 chiếc BMW thuộc các dòng serie 3, 430i Gran Coupe, 528i GT, X5 cùng 34 chiếc MINI như Cooper, Cooper S, Countryman.

Ô tô BMW 528i GT của Trường Hải
Theo nguồn tin của VnExpress, lô xe này nằm chung trong một vận đơn gửi hàng, trong đó người gửi là BMW AG có trụ sở tại Munich (Đức), và người nhận là Công ty lắp ráp và sản xuất Thaco Premium, có trụ sở tại Núi Thành (Quảng Nam), cùng địa chỉ với Công ty cổ phần ôtô Trường Hải. Thaco Premium là công ty con mà Trường Hải mới thành lập để kinh doanh các thương hiệu xe cao cấp của hãng là BMW, Peugeot.

Lô xe này không chỉ có xuất xứ từ Đức (BMW) và Anh (MINI) mà còn từ Mỹ và Hà Lan. Trường Hải cho biết xe sẽ phục vụ lễ ra mắt thương hiệu cũng như trưng bày vào đầu 2018. Hiện xe chưa làm thủ tục thông quan.
MINI Cooper tại cảng
Trước đó, hồi tháng 9/2017, BMW đã phát đi thông báo về việc Trường Hải sẽ là nhà phân phối mới của hãng tại Việt Nam, với quyền kinh doanh các thương hiệu BMW, MINI và Motorrad.

Phía Trường Hải cho biết những thông tin cụ thể về hệ thống phân phối, lộ trình nhập khẩu và lắp ráp, chính sách sản phẩm sẽ có trong Lễ ra mắt chính thức, có thể giữa tháng 1 tới tại TP HCM. Trường Hải trước mắt sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống phân phối vốn có của BMW tại Việt Nam.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2017 trước khi Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018. Nghị định quy định xe nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Tổ chức nước ngoài cung cấp. Như vậy, nếu lô xe của Trường Hải thông quan sau 2017 cũng phải có loại giấy này, trừ trường hợp có quy định khác.

Nghị định 116 gây khó cho các hãng muốn kinh doanh xe nhập khẩu. Trường Hải trong giai đoạn đầu sẽ nhập khẩu xe BMW để bán nhưng sau đó hướng tới lắp ráp trong nước, trở thành đối trọng lớn với Mercedes Việt Nam.

Sự góp mặt của BMW sẽ hoàn thành dải sản phẩm từ phổ thông tới hạng sang của Trường Hải. Hãng xe này còn phát triển cả mảng xe tải, xe bus, mới đây là thương hiệu Fuso giành từ tay Mercedes Việt Nam. Trường Hải cũng như Hyundai Thành Công hướng tới chiến lước lắp ráp xe trong nước để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Đức Huy (vnexpress.net)

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

2 người Việt lọt Top 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới

Đó là GS. Nguyễn Đức Khương, Học viện Kinh tế IPAG, Pháp và TS. Nguyễn Việt Cường, Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

GS Nguyễn Đức Khương (Học viện Kinh tế IPAG, Pháp). Ảnh: ĐHQG Hà Nội
GS. Nguyễn Đức Khương và TS. Nguyễn Việt Cường được dự án Nghiên cứu kinh tế RePec xếp vào Top 5% trong tổng số hơn 55.000 nhà kinh tế trên thế giới, theo bảng xếp hạng tháng 7/2017.

Trong đó, GS. Nguyễn Đức Khương vừa được bổ nhiệm làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Năm 2016, anh cũng được RePec xếp hạng trong Top 200 nhà kinh tế trẻ hàng đầu thế giới.

Theo thống kê của RePec, 2 nhà nghiên cứu này đã có hàng trăm ấn phẩm nghiên cứu và bài báo khoa học.

(Theo VTV.vn)
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Thượng nghị sĩ Mỹ đòi liên bang điều tra vụ kéo lê bác sĩ gốc Việt

Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal trong một lá thư gửi tới Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao nói rằng, cần điều tra đầy đủ về vụ việc liên quan đến hành khách bị cưỡng ép ra khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines.
Hành khách gốc Việt được đề cập chính là bác sĩ David Dao, người bị kéo lê trên sàn máy bay, đuổi khỏi chuyến bay của hãng hàng không United Airlines (UA) do quá tải chỗ ngồi.
United Airlines đang bị chỉ trích dữ dội vì hành xử thô bạo với hành khách
"Tôi hiểu rằng Bộ Giao thông vận tải đang xem xét vấn đề, nhưng tôi yêu cầu một cam kết mạnh mẽ hơn", bức thư viết. 
"Cơ quan của ông phải tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, toàn diện với United Airlines và các hoạt động của ngành hàng không dẫn tới vụ việc này".
Thượng nghị sĩ Blumenthal nhấn mạnh, điều tra vụ việc cần phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi như quy định nào được thực hiện để đảm bảo các hãng hàng không tôn trọng yêu cầu bảo vệ hành khách, quy định nào để giải quyết vấn đề quá tải chỗ ngồi.
Trong khi đó, 4 thành viên Ủy ban Thương mại Thượng viện Hoa Kỳ gồm Chủ tịch John Thune; Chủ tịch tiểu ban hàng không Roy Blunt, hai thượng nghị sĩ Bill Nelson và Maria Cantwell đã ký vào lá thư yêu cầu UA giải thích rõ ràng vụ việc vì lời giải thích mà hãng đưa ra không thỏa đáng.
Một số thành viên Hạ viện nêu rõ, Quốc hội Mỹ cần hành động để đảm bảo rằng United Airlines - hoặc các hãng hàng không khác - không bao giờ có thể kéo lê một hành khách ra khỏi máy bay nữa.
Thái An (Theo Suntimes, Sputniknews)

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Ông Đặng Công Ngữ: Việc tiến cử lãnh đạo dưới 35 tuổi thể hiện 'Đà Nẵng đổi mới'

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo (viết tắt là Đề án cán bộ trẻ).

Ông Đặng Công Ngữ (nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng) cho biết, giai đoạn 2005-2010, Thành ủy đã có chủ trương mỗi Thành ủy viên giới thiệu cán bộ nguồn để thay thế mình. Nhưng đây là lần đầu tiên Đà Nẵng ban hành một Đề án về cơ chế cấp trên tiến cử cán bộ trẻ ở dưới.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
- Đề án cán bộ trẻ có điểm gì mới so với chủ trương trước đây, thưa ông?

- Đà Nẵng là địa phương đầu tiên cả nước thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Ban đầu là hiệu phó trường THPT Phan Châu Trinh, sau đó là hiệu phó, hiệu trưởng, trưởng phòng, phó phòng rồi Phó viện nghiên cứu kinh tế-xã hội thành phố (cán bộ diện Thành ủy quản lý). Chức danh cao nhất mà thành phố thi tuyển là Giám đốc Sở Xây dựng. Nhắc lại để thấy Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể chọn người tài làm lãnh đạo.

Đề án cán bộ trẻ mà Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quyết tâm và đổi mới trong công tác cán bộ.

Đề án tuy phải chờ UBND thành phố có chương trình triển khai cụ thể, nhưng đã thể hiện nhiều điểm mới. Đó là, Đề án mạnh dạn đưa ra 5 tiêu chuẩn cho người được tiến cử, như tốt nghiệp đại học chính quy hệ công lập, có ít nhất 5 năm công tác, có uy tín và thành tích tiêu biểu, dưới 35 tuổi...

Khi đưa ra 5 tiêu chuẩn này thì 4 tiêu chuẩn nằm ở phần cứng, một tiêu chuẩn mang tính năng lực. Đánh giá chọn lựa cán bộ thì cái đầu tiên phải là năng lực phẩm chất, tuy nhiên điều này không thể đánh đồng với bằng cấp. Theo tôi, tiêu chuẩn đưa ra là những người đã kinh qua công tác, có năng lực và có thành tích nổi trội, xuất sắc thì chuẩn hơn.

Ngoài ra, thành phố cần xem xét đến những người tốt nghiệp hệ ngoài công lập. Vì thực tế, nhiều trường tư thục đào tạo những ngành có sinh viên rất giỏi. Ví dụ ở Đà Nẵng, ĐH Duy Tân đang đứng đầu về đào tạo nhân lực ngành du lịch và công nghệ thông tin; nhiều sinh viên trường tư thục đi thi đấu robocon ở châu Á đã làm rạng danh Việt Nam.

- Một số người lo ngại mục đích tốt của cơ chế tiến cử này sẽ khó đạt được bởi tình trạng "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ" được nhắc đến lâu nay. Ông nghĩ sao?

- Tiến cử là công việc ông cha ta đã làm. Thời phong kiến, các quan lại có vị trí cao trong triều đình phải cử một người có tài đức, có triển vọng để triều đình bổ nhiệm. Tiến cử với tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan thì rất tốt. Nhưng không loại trừ yếu tố cá nhân chi phối, đặc biệt là từ xưa đến nay tính chịu trách nhiệm về sự tiến cử còn mờ nhạt. Giả sử người được tiến cử không thành công, thậm chí là có vi phạm thì rất ít khi truy người tiến cử, và cuối cùng đều đổ cho tập thể.

Ở nước ngoài, khi cá nhân tiến cử, giới thiệu một người cho ai thì họ dùng cả uy tín, danh dự một đời mình. Còn ở Việt Nam lâu nay vẫn còn tâm lý giới thiệu người quen, người trong đơn vị, cùng ê kip với mình. Một tâm lý khác là người tiến cử sợ trách nhiệm nên thường chọn những người tròn trĩnh, an toàn, không dám chọn những người cá tính, đột phá trong công việc.

Việc giới thiệu người nhà vào cùng cơ quan, công bằng mà nói, nếu người được giới thiệu thực sự có năng lực và phẩm chất thì tốt. Tôi tin nếu làm khách quan, công khai và công tâm thì dư luận không quá khắt khe với chuyện này. Tất nhiên ở đây sẽ có khó xử về sau, vì khi đánh giá vừa có chung, vừa có tình riêng. Do đó việc bổ nhiệm cán bộ cần tránh tình cảm riêng tư và phải có thăm dò trong đơn vị, quần chúng để chọn lựa đúng.

Theo tôi, khi UBND thành phố hoàn thiện Đề án, cần bổ sung việc thăm dò uy tín của người được tiến cử trong tập thể mình công tác, còn thăm dò như thế nào thì những đơn vị được giao thực hiện tính toán cụ thể.
Đà Nẵng là thành phố có sự đầu tư cho đội ngũ cán bộ công chức chất lượng cao, vì mục tiêu phục vụ người dân. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông.


- Ông đánh giá như thế nào về quy định giới hạn tuổi người được tiến cử làm lãnh đạo, quản lý không quá 35?

- Yêu cầu tiến cử cán bộ trẻ không phải là mới ở Đà Nẵng. Nhưng đây là lần đầu tiên đưa ra con số cụ thể về độ tuổi. Trong 5 tiêu chuẩn đã đề cập, người được tiến cử phải có ít nhất 5 năm công tác, nhưng sau lại chốt độ tuổi không được vượt quá 35 ở thời điểm được tiến cử. Tức là người được tiến cử phải lọt ở giữa 2 điều kiện này.

Như thế, thông thường người dưới 26 tuổi sẽ không được tiến cử (vì sau khi tốt nghiệp ĐH phải đủ 5 năm công tác). Điều này có thể dẫn đến bỏ sót nhân tài, vì "tài đâu đợi tuổi". Ở nước ngoài người ta có Bộ trưởng 28 tuổi. Do đó, với những người giỏi thực sự thì không cần đến 5 năm công tác.

Dù thành phố đang có nguồn công chức dồi dào từ chính sách thu hút nhân tài và Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng nếu tính trong độ tuổi từ 27 đến 34 thì con số không nhiều. Và khi càng ít người lọt vào độ tuổi cho phép, càng ít lựa chọn. Vì thế, phải tính toán lại những giới hạn này.

Theo tôi, có thể bổ sung tiêu chuẩn là nếu công chức thông qua thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý thì tuổi công tác có thể ít hơn con số 5 năm. Thêm vào đó, phải đầu tư nhiều hơn nữa về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Có thể tính đến việc đào tạo nhân tài theo hướng "chuyên quan" (đào tạo để làm quản lý). Như thế mới bổ sung được nhiều nguồn cho việc tiến cử.

- Cần có quy định mỗi lãnh đạo được tiến cử bao nhiêu người, nhằm tránh giới thiệu tràn lan và đảm bảo quá trình theo dõi, giúp đỡ sau tiến cử. Ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ cũng nên quy định mỗi lãnh đạo được tiến cử bao nhiêu người để bản thân người tiến cử có sự chọn lọc và chịu trách nhiệm với người mình giới thiệu. Theo tôi, mỗi Thành ủy viên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nên giới thiệu tối đa 2 người. Trong đó, một người trong và một người ngoài đơn vị mình để đảm bảo khách quan, công tâm. Nếu nhiều lãnh đạo giới thiệu trùng người, thì coi như người đó có tín nhiệm cao.

 Để mở đường cho người trẻ làm lãnh đạo, Đề án đưa ra các chế độ, chính sách động viên người lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi. Ông góp ý như thế nào đối với nội dung này?
- Ở đây, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn đưa ra giải pháp xóa rào cản cho cán bộ trẻ. Nhưng cụm từ "động viên người lớn tuổi nghỉ hưu sớm" theo tôi là rất chung chung. Đúng ra phải là "động viên cán bộ có chức vụ về hưu sớm". Tuy nhiên việc này không dễ thực hiện. Nhiều người lớn tuổi nhưng có kinh nghiệm, đang làm tốt công việc của họ giờ lại động viên họ nghỉ thì cũng không nên. Hoặc khi động viên nhưng người lãnh đạo đó không đồng ý nghỉ thì cũng không có vị trí cho người trẻ thử thách, thể hiện mình.
Thay vào đó, cần phải ban hành cơ chế đánh giá cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Việc đánh giá này sẽ tập trung vào tiêu chí "có hoàn thành nhiệm vụ hay không". Nếu lãnh đạo lớn tuổi không đáp ứng được yêu cầu công việc thì phải nghỉ thôi.
Nguyễn Đông (vnexpress.net)

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

​Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc

TTO - Trả lời báo chí ngày 5-1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh xác nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 1-2017.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí tại Văn phòng Chính phủ sáng 5-1 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trong đó có Trung Quốc, một đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh chuyến thăm ngay thời điểm đầu năm khẳng định rõ mong muốn của Việt Nam đưa quan hệ với Trung Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mở ra một năm sẽ có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai bên.

D. AN (tuoitre.vn)